( Quang Tử)
Một phụ nữ trẻ, quý phái và giàu có bước vào một cửa hàng thức ăn nhanh. Ở đây cô chọn cho mình món súp làm bữa điểm tâm. Cô bưng chén súp ra một chiếc bàn, rồi quay lại quầy thanh toán tiền.
Đến khi trở về bàn thì cô sững sờ: một bà già luộm thuộm với chiếc áo khoác cũ mèm đang ngang nhiên ăn chén súp của cô. Cô định bước tới mắng cho bà ta một trận, nhưng chợt nghĩ:
“Người lịch sự không nên làm như thế. Nhưng không lẽ cứ để bà ta ăn hết bữa điểm tâm của mình?”
Như vậy, cô ngồi vào bàn, lấy muỗng và ăn cùng bà lão. Bà ta ngẩng đầu lên nhìn cô, rồi nhoẻn miệng cười. Hai người cứ thế ăn súp trong yên lặng.
Ăn xong, bà lão rút trong túi ra một chiếc bánh, bẻ đôi và đưa một nửa cho cô gái. Cô mỉm cười, nghĩ thầm : “Vậy là chúng ta hòa nhé!” Và hai người tiếp tục ăn hết chiếc bánh.
Khi ăn xong, bà lão đứng dậy, chào cô rồi bước đi với vẻ mặt rạng rỡ. Bà lão nghĩ: “ Ngày hôm nay thật có ý nghĩa, lâu rồi ta mới có dịp giúp cho người khác một bữa ăn tử tế. Thật hạnh phúc khi con người ta biết chia sẻ cho nhau.”
Còn cô gái cũng đứng dậy sau đó. Chợt cô giật mình khi nhìn sang bàn bên cạnh: chén súp của cô vẫn còn nguyên. Thì ra nãy giờ cô đã ngồi nhầm bàn. Sự việc này khiến cô cảm thấy xấu hổ, và cả ngày hôm đó, cô không thể nào nở được một nụ cười với ai cả.
*
* *
Một phút để suy ngẫm trong ngày:
Đâu mới là niềm vui thật sự? Một thân phận giàu có hay một tâm hồn giàu có?
Tạo hóa đưa chúng ta đến với cuộc sống này, với vô số hình hài và thân phận khác nhau. Nhưng với một mục đích như nhau. Đó là, rời xa đau khổ để đi tìm hạnh phúc.
Một điều hiển nhiên, hiển nhiên đến mức chẳng cần chứng minh. Cho dù bạn sống ở bất cứ đâu trên hành tinh này. Cho dù bạn già hay trẻ, là nam hay là nữ, thì hạnh phúc luôn nằm trong mong muốn và khát khao của mỗi chúng ta.
Bạn có thể nhìn thấy nó trong sự nỗ lực học tập. Để làm gì? Để có được bằng cấp, để được mọi người nể trọng… Như thế, bạn sẽ rất vui. Ta có thể gọi là đó hạnh phúc.
Hoặc bạn sẽ thấy nó trong sự cặm cụi làm việc. Để làm gì? Để có tiền, để có một sự nghiệp… Từ đó, bạn có thể mua rất nhiều thứ: nhà đẹp, xe sang trọng, quần áo thời trang… Và, đó cũng có thể coi là hạnh phúc.
Tuy nhiên, có rất nhiều cảm giác hạnh phúc khác nhau. Một số người thích thú với việc ăn nhậu. Với một số khác thì họ thấy vui khi có quyền lực… Mỗi một chọn lựa của bạn sẽ đưa đến những hạnh phúc khác nhau, thậm chí khác xa nhau đến mức một trời một vực. Thế nên, chúng ta có một câu hỏi cực kỳ quan trọng:
Phương trâm nào? Con đường nào sẽ đưa ta đến với hạnh phúc đích thực?
Câu trả lời thứ nhất được đưa ra:
“ Hãy cố gắng thu về cho mình thật nhiều, hưởng thụ cho mình càng nhiều thì càng hạnh phúc.”
Nghe rất có lí. Có thể nó không lí tưởng lắm, nhưng nó thực tế. Và đa số chúng ta đã chọn câu trả lời này làm lẽ sống cho mình.
Vậy thực tế ra sao?
Ta hãy cùng quan sát. Hãy nhìn một đứa bé mới được cha mẹ mua cho một món đồ chơi: một chiếc ô tô điều khiển từ xa mới toanh.
Đồng thời, hãy nhìn một người đàn ông mới trúng mánh, anh ta liền mua cho mình một chiếc Messedes bóng loáng, đầy vẻ sang trọng.
Giá trị hai chiếc xe khác xa nhau. Nhưng tâm lí lại giống hệt nhau.
Đầu tiên họ sung sướng. Cả đứa bé lẫn người đàn ông, một cảm giác vui thú tràn ngập, bủa vây lấy họ.
Rồi, họ cảm thấy cần thiết phải bảo vệ cái mà họ đang có. Họ bắt đầu lo sợ: sợ bị mất. Họ trở nên khó chịu, bực bội khi có ai đó muốn “chia chác một chút” với họ cái mà họ đang sở hữu, mượn chơi vài ngày chẳng hạn.
Nhưng rồi chẳng bao lâu, cái cảm giác đó trở nên bão hòa, họ thấy cái xe giờ đây cũng bình thường. Và lâu hơn chút nữa, họ bắt đầu chán.
Hưởng thụ luôn đi đến cảm giác chán. Đây là một quy luật.
Bây giờ, họ lại khát khao, thèm muốn một cái đẹp hơn, mới hơn, lớn hơn nữa… Cái thèm muốn ấy ngày càng gay gắt. Nó giày vò họ. Nó thúc đẩy họ phải làm mọi cách: năn nỉ, vòi vĩnh, hay nai lưng ra cày, cày cật lực, cày cho có tiền để mua cái mới.
Đấy là vẫn chưa kể đến những thủ đoạn đen tối, những âm mưu tàn bạo khác. Nếu vẫn không được, họ đau khổ.
Nhưng nếu họ có được cái xe mới, thì kịch bản cũ lại được lập lại.
Vui sướng – rồi sợ mất – rồi khó chịu, bực bội – xong rồi chán. Và tiếp tục thèm muốn cái mới hơn, lớn hơn. Rồi lại cày… Một vòng luẩn quẩn.
Ở nước Nga có một câu chuyện nổi tiếng: Ông lão đánh cá và con cá vàng
Một ông lão ngư dân ra biển kéo cá. Ông chỉ bắt được một con cá vàng, nhưng thấy nó tội nghiệp, ông lại thả nó ra. Không ngờ, nó lại là một con cá thần. Nó nói với ông:
– Tôi vô cùng biết ơn ông. Từ nay hễ ông yêu cầu điều gì, tôi sẽ biến nó thành hiện thực.
Nhưng ông lão thì chẳng mong muốn cái gì.
Ông về kể cho mụ vợ nghe. Trái ngược với ông lão, mắt bà ta rực lên cái nhìn đòi hỏi của tham vọng.
Đầu tiên, mụ bắt ông lão ra đòi cái máng lợn. Cá thần cho mụ cái máng lợn. Được máng rồi, mụ đòi cái nhà. Cá thần hóa phép một ngôi nhà. Được nhà rồi, mụ đòi làm nhất phẩm phu nhân. Cá vàng đồng ý.
Được nhất phẩm phu nhân rồi, mụ lập tức đòi ngai nữ hoàng. Cá vàng lặng lẽ gật đầu. Được ngai rồi, mụ chẳng dừng lại. Mụ muốn làm chúa tể các cõi mà cá vàng làm nô lệ.
Giống như một định luật – “hai với hai là bốn” : tột cùng của tham vọng luôn là con số không. Cá vàng tức giận, quẫy đuôi. Và mụ vợ mất hết tất cả.
*
* *
Chúng ta đọc câu chuyện, rồi chúng ta phê phán mụ vợ. Mụ ta không ngừng đòi hỏi, mụ ta thật là tệ. Nhưng không ngờ, đây không phải câu chuyện của một mụ đàn bà xa xôi nào đó ở bên nước Nga.
Không. Đây là câu chuyện của chính mỗi người chúng ta. Hoặc là tôi, hoặc bạn, sẽ trở thành nhân vật chính của câu chuyện này. Một khi chúng ta đã chọn cái kịch bản sống “ Càng hưởng thụ, càng hạnh phúc”
Hãy sáng suốt. Bạn sẽ nhận ra đó là một cái bẫy. Nó nhử ta bằng một cảm giác vui sướng, thỏa thích lúc đầu. Và khi ta cắn câu, nó lập tức lôi tuột ta vào một guồng quay, một chuỗi tâm lí khổ sở : thèm thuồng, giành giật, lo sợ, bực bội, tức tối, vất vả, chán ngán, mệt mỏi…
Rồi bất chợt, ta nhận ra ta đã bị biến thành nô lệ của cái tham muốn. Nó thiêu đốt. Nó dày vò tâm hồn ta. Nó lừa phỉnh ta với những mục tiêu luôn ở trước mắt. Nó hối thúc ta bằng nỗi thèm khát nhức nhối trong tim.
Như thế, ta bị đẩy vào một cuộc đua, của giành giật hơn thua, của quay cuồng và mệt mỏi. Một cuộc đua bất tận.
Bạn nghĩ rằng bạn có thể dừng lại ở một chừng mực nào đó, một định mức khuây khỏa. Như cất một ngôi biệt thự, mua một cái xe thể thao… thế là đủ.
Nhưng, như vậy bạn chưa hiểu được cái tham muốn. Nó xảo quyệt và mạnh mẽ hơn bạn tưởng nhiều lần. Nó không bao giờ để bạn dừng lại dễ dàng.
Tham muốn không bao giờ là một chiếc xe đạp. Bạn không thể dừng nó lại đơn giản chỉ bằng một cái bóp phanh. Tham vọng là cả một đoàn tàu. Một khi đã khi đã khởi động, bạn phải nghiến răng, phải toát mồ hôi hột, phải gồng mình với hết sức bình sinh nếu muốn chặn nó lại. Vậy mà chưa chắc gì nó đã dừng lại.
Hãy lặng yên. Hãy nhìn sâu vào trong tâm trí, bạn sẽ thấy:
Nếu bạn đang là nhân viên. Bạn sẽ khát khao để trở thành ông chủ. Một tâm lí bình thường, một ước mơ chính đáng. Bạn nghĩ vậy và phấn đấu.
Nhưng, nếu bạn đã là ông chủ… Thế thì, bạn lại thèm khát một ông chủ lớn hơn, một chủ tịch tập đoàn. Tham vọng trở nên rõ rệt hơn.
Rồi, giả sử nỗi thèm khát đó thành hiện thực, bạn là một chủ tịch tập đoàn. Và có lẽ ta dừng ở đây được rồi. Nhưng khổ nỗi cái tham vọng đã nở ra rất nhiều lần.
Bạn chưa thấy thỏa mãn. Bạn cảm thấy mình phải quyền lực hơn nữa . Bạn phải trở thành chủ tịch tỉnh hay thống đốc…
Câu chuyện cứ thế nối tiếp, cho đến một ngày kia, kể cả ngôi vị thủ tướng, kể cả ngai vàng của một ông vua cũng không làm bạn thỏa mãn. Bởi vì tham vọng của bạn là thống trị toàn địa cầu.
Bạn là người thông minh. Có lẽ bạn sẽ đoán ra được phần tiếp theo.
Đó là, khi chiếm được cả trái đất rồi, con người ta sẽ tiếp tục đòi cho được mặt trăng. Tham vọng là vô tận. Nó không có đáy. Nếu cứ mãi đi theo nó, con người ta sẽ phải chết trong sự mệt mỏi tột cùng. Chết vì kiệt sức.
Có lẽ bạn chưa hình dung ra. Vậy, hãy đễ con người này làm bạn thấy rõ hơn: Alexander Đại Đế.
Là vua của vương quốc Maxedom hùng mạnh, là học trò của Aristole, Alexander quá sung sướng. Không ai trong chúng ta sung sướng đến thế.
Nhưng Alexander lại chẳng thấy gì là thỏa mãn. Ông không thể ngồi yên mà học với Aristole được. Tham vọng cứ sôi sùng sục trong ông. Và như thế, Alexander đem theo quân đội hùng hậu quyết đi tìm ngôi vị bá chủ thế giới.
Cũng may, Alexander có tài, dường như ông luôn thắng trận. Đế chế của ông cứ lớn dần ra về châu Á, chiếm sạch khối Ả Rập, tiến về phía Ấn Độ. Nhưng bạn biết kịch bản rồi đấy, tham vọng chẳng dừng ở đâu cả. Alexander vẫn cứ phải lao vào trận .
Một lần, ông nghe nói về một con người đặc biệt : một người chẳng cần gì hết. Bao nhiêu của cải ông cho hết thiên hạ, còn ông thì sống trong một cái thùng gỗ ven đường với một cái bát đựng nước. Có lần, ông thấy người ta có thể dùng hai tay múc nước uống, thế là, ông bỏ luôn cái bát để uống nước bằng tay. Một vô sản đích thực: hiền triết Diogenes.
Quá lạ lùng, Alexander dẫn đại quân tới gặp Diogenes. Vị chúa tể đặt một số câu hỏi hóc búa về triết học, chính trị, về tương lai với vị hiền triết. Và những câu trả lời của Diogenes khiến Alexander vô cùng kính phục.
Alexander hỏi câu cuối cùng:
– Thưa hiền triết đáng kính, ngài có cần điều gì không?
Alexander sẵn sàng tặng cả một vương quốc nếu Diogenes muốn, thế mà Diogenes lại trả lời rất hóm hỉnh.
– Có, có đấy. Xin Ngài hãy đứng xích sang một bên. Nãy giờ ngài đứng che mất ánh nắng tôi đang sưởi ấm.
Alexander ngỡ ngàng. Trước mặt ông, một con người chẳng có gì, nhưng lại đầy đủ hơn ai hết, hơn cả ông – một chúa tể. Con người ấy không cần tìm một hạnh phúc gì thêm, vì ông ta chính là hạnh phúc rồi. Alexander thấy mình thật nghèo nàn trước ông ta. Alex quay lại nói với binh sĩ:
– Nếu ta không lỡ làm một Alexander Đại Đế, thì ta sẽ làm một triết nhân Diogenes.
Thật đáng tiếc Alexander đã không làm theo câu nói đó. Ông đã bỏ lỡ. Tham vọng tiếp tục lôi ông vào những cuộc hành quân. Và, điều gì phải đến đã đến.
Sau nhiều năm trinh chiến bất tận, nhưng vẫn không thấy đâu là tận cùng trái đất. Toàn quân sôi lên vì chán ngán và mỏi mệt. Rồi thua trận, rồi đồng đội bị tử thương, Alexander trỡ nên quẫn trí, lên cơn sốt, rồi chết. Chết trong tột cùng của sự mỏi mệt. Đế chế của ông tan vỡ ngay sau đó.
*
* *
Tham vọng đã nâng Alexander lên cao vút, rồi cuối cùng thả ông rơi tự do suống đáy cùng của thảm bại.
Alexander tưởng mình là bá chủ. Nhưng ông đã bị lừa. Ông chỉ là con ngựa chiến. Tham vọng mới là ông chủ đích thực.
Khi không có lòng tham, con người ta mới được làm chủ chính mình, làm một Diogenes.
Còn khi có lòng tham, nó lập tức biến ta thành nô lệ. Nó sẽ vắt kiệt ta cho đến hơi thở cuối cùng. Đó là một công thức.
Điều đó đúng với Alexander, đúng với bất kì ai đi tới tận cùng với lòng tham muốn: Ceasar Đại Đế, Thành Cát Tư Hãn, Napoleon Bonapac, hay Hitle… Tất cả đều chết trong kiệt quệ và tức tưởi. Chưa một ai biết thế nào là thỏa mãn.
Hãy tỉnh táo. Đừng để mình trở thành nô lệ cho lòng tham muốn. Hãy chống lại nó và chiến thắng nó như người đàn ông này: John Davison Rockerfeller.
Sinh năm 1839, mất năm 1937, Rockerfeller lớn lên với một tham vọng sẽ thống trị nước Mỹ. Với một bộ óc cực kỳ khôn khéo, điều đó không phải viễn tưởng với Rockerfeller. Suốt nhiều thập kỷ, ông đã sử dụng đến mọi thủ đoạn, khôn ngoan có, tàn bạo có để thôn tính hàng trăm công ty lớn nhỏ, gom lại thành một tài sản khủng khiếp. Nó tương đương với 190 tỷ USD hiện nay, hơn tất cả các tài sản của 10 tỉ phú lớn nhất bây giờ. Dựa vào đó Rockerfeller bắt đầu thao túng cả nền kinh tế – chính trị – văn hóa Mỹ. Ông trở thành nỗi ám ảnh của cả một thế hệ lúc bấy giờ.
Thế rồi, một ngày đẹp trời khi đã sáu mươi tuổi, người giàu nhất lịch sử bỗng nhận ra mình đã bị lừa. Tiền của ông có thể xếp thành một tòa cao ốc. Chẳng ai đọ nổi với tiền bạc và thế lực của ông được nữa. Thế nhưng Rockerfeller luôn thấy cuộc sống thật trống rỗng và vô cảm. Thật kỳ lạ, chẳng có một chút nào gọi là hạnh phúc cả.
Rockerfeller quyết định phải thay đổi.
Bốn mươi năm sau đó, người ta thấy Rockerfeller khét tiếng một thời đem gần hết số tiền khổng lồ của ông ra làm việc thiện. Nó không dùng để làm chao đảo nước Mĩ nữa. Điều đó thật vô bổ. Thay vì thế, nó có thể đem lại nụ cười cho nhân loại.
Hàng chục quỹ vì người nghèo, phòng chống bệnh tật, thiên tai, quỹ bảo trợ đào tạo, viện nghiên cứu, trường học mọc lên khắp nơi trên thế giới nhằm xoa dịu nổi khổ cho con người.
Mọi sự sai lầm của ông đã được đền chuộc. Rockerfeller đã tống được cái cục nợ “ tham vọng ” ra khỏi tâm trí. Thật nhẹ nhõm. Thật sáng suốt.
Thế là, ông hiểu được một chân lí giản dị, một chân lí vĩnh hằng:
Hạnh phúc chân thật là một nụ cười thanh thản khi ta biết cho đi.
Nói cách khác, sự cho đi chính là chìa khóa của hạnh phúc.
Giờ đây, Rockerfeller có thể mỉm cười mãn nguyện với chiếc chìa khóa trong tay. Ông không phải người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng tìm ra chân lí ấy. Bởi vì bất kỳ ai trong số chúng ta đều có thể tìm ra nó. Hóa ra, hạnh phúc không nằm ở chân trời xa xăm nào cả. Nó rất gần.
Hạnh phúc nằm ngay trong chính bạn, trong chính mỗi chúng ta. Có điều, nó đã ngủ quên khi ta cứ mải chạy theo tham muốn. Vì thế, hãy đánh thức nó dậy.
Hãy để đôi bàn tay mở rộng ra cuộc sống. Hãy để tâm hồn chan hòa trong những niềm chia sẻ. Và, hãy cho đi bằng tất cả sự giàu có của con tim.
Hạnh phúc sẽ bừng tỉnh trong bạn.
Điều này có thể rất lạ đối với bạn. “ Chẳng phải thế gian vẫn sục sôi lên vì kiếm tiền sao? Chẳng phải người đời vẫn xô đẩy nhau để với tới sự thành đạt sao?”
Bạn có lí. Nhưng đây là vấn đề của sự từng trải.
Số đông không có nghĩa là chân lí. Cả thế gian tưởng như thế là đúng, không có nghĩa họ đã tìm ra sự thật.Trong vấn đề này, chúng ta phải lắng nghe lời của những con người từng trải.Những người đã sống qua cả hai niềm hạnh phúc: niềm hạnh phúc của vật chất, của giàu sang , của quyền thế , và , niềm hạnh phúc của tâm hồn, của cuộc sống vị tha không ngừng chia sẻ. Chỉ có họ mới đánh giá được sự thật, đâu là hạnh phúc đích thực. Vậy ai là người như thế?
Đây, Andrew Canegie! (1835 – 1919)
Ông sống cùng thời với Rockerfeller, Andrew kinh doanh rất thành công trong ngành thép. Ông nhanh chóng trở thành người giàu thứ hai trong lịch sử sau Rockerfeller. Andrew đã có sự thành đạt, có giàu sang, có quyền thế, vậy ông rất từng trải. Vậy ông nói gì?
“ Con người ta phải phụng sự điều gì đó. Nếu ai đó chọn phụng sự cho của cải, thì đó là hành vi tồi tệ nhất.”
Và thế là ông phụng sự cho việc từ thiện. Sự nghiệp từ thiện của Andrew Canegie còn vĩ đại hơn cả Rockerfeller. Ông hạnh phúc vì ông tìm được “kho báu thật.”
Hiện nay Bill Gates cũng làm như vậy. 99% tài sản kếch xù của người giàu có nhất thế giới đương đại đã dâng hiến cho các quỹ từ thiện.
Đối với tỉ phú Yu Pengman của Trung Quốc con số là 100%. Tất cả tài sản 1, 2 tỉ USD ông đã bán sạch và làm từ thiện sạch.
Thế nhưng Trung Quốc vẫn có truyền thống để lại gia tài cho con cái, vậy ông nói sao?
“ Nếu con cái tôi là người tài giỏi, chúng sẽ không cần khoản thừa kế để làm vốn. Còn nếu chúng bất tài, một đống tiền chỉ tổ làm hại chúng mà thôi.”
Một triệu phú khác tên là Karl Rabeder ở nước Áo. Lời tâm sự của ông chứa đầy sự từng trải :
“Trước kia tôi luôn tin giàu có đồng nghĩa với hạnh phúc. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, phương trâm của chúng tôi là: ai làm nhiều, người đó phải được hưởng nhiều.
Tôi đã sống bằng phương trâm ấy nhiều năm. Nhưng dần dần, tôi thấy ngược lại. Tôi cảm thấy mình làm việc như một nô lệ để đạt đươc những thứ không cần thiết: giàu sang, của cải…
Trong một chuyến đi nghỉ ở Hawaii, vợ chồng tôi đã xài tiền nhiều nhất có thể. Nhưng nhanh chóng chúng tôi nhận ra xung quanh không có ai thật lòng, tất cả đều giả dối. Cuộc sống xa hoa thật khủng khiếp, nhạt nhẽo và vô cảm.
Tiền làm phản tác dụng. Nó không mang lại hạnh phúc.”
Và Karl đã bán sạch sành sanh từ bất động sản đến cái ví da, tất cả là 5 triệu USD, tất cả đều đi làm từ thiện.
Rồi ông nói:
“ Giờ đây tôi thấy mình tự do. Không một chút gánh nặng.”
Họ hạnh phúc đến như thế, bởi vì họ biết vứt đi cái hòm tiền giả để đổi lấy một kho báu thật.
Và nếu tâm trí bạn vẫn tiếp tục thắc mắc: Cái kho báu thật ấy, bên trong chứa những gì?
Thế thì, sự thực, đó là một sự bình an không lời nói. Bạn sẽ thấy thất vọng nếu muốn tóm nó trong tay để thấy cho rõ ràng. Bởi vì, nó không rõ ràng. Không giống sự tưng bừng của một buổi tiệc rượu, không giống cái cuồng nhiệt của một lần thắng trận đá bóng… Chúng rõ ràng, nhưng thật mau hết.
Chúng sẽ nhanh chóng tan biến rồi để lại trong ta một lỗ hổng, một sự trống vắng dày vò.
Niềm hạnh phúc thì ngược lại. Nó là một mặt trăng. Nó lấp đầy tâm hồn bạn như ánh trăng lấp đầy bầu trời: êm đềm và trường cửu.
Bạn không thể hốt ánh trăng để cất đầy vào túi. Nhưng bạn có thể tan hòa vào ánh sáng bàng bạc, kỳ diệu của nó. Bạn sẽ thấy một cảm giác hân hoan, nhẹ nhàng len lỏi vào tâm hồn bạn. Một cái gì đó rất sâu lắng, thanh cao và bền bỉ luôn hiện hữu trong bạn, luôn đi theo bạn.
Không cần đến một casino hay một vũ trường nào để tìm vui thú nữa, vì vui thú luôn ở ngay trước mắt. Khi đó, nỗi buồn chán và trống trải, sự bất an và dằn vặt đã vắng bóng. Chúng lặng lẽ cuốn gói từ lúc nào không rõ…
Thay vào đó là một sự tự do vô hạn, một sự an lành vô hạn. Chúng nâng dần bạn lên một tầm mức khác: tầm mức của những tâm hồn cao thượng.
Bạn hãy tự hỏi: hình tượng nào trên thế giới là vui vẻ nhất?
Nếu ở phương tây, thì đó là ông già Noel. Còn ở phương đông, là hình tượng Di Lặc Bồ Tát. Họ luôn tươi cười. Nụ cười của họ tuôn trào hạnh phúc ra thế gian. Nhưng vì sao vậy?
Bởi vì cả hai vị đều có một cái túi thật to với đầy quà bên trong. Cả hai vị đều cho đi không ngừng nghỉ. Với họ, cho đi là sự nghiệp, cho đi là cuộc sống. Thế nên, niềm hạnh phúc trong họ trở thành một kinh điển.
Ta thấy, ở phương đông cũng như phương tây chân lí vẫn là một:
Cổng hạnh phúc sẽ rộng mở khi bàn tay ta rộng mở.
Vậy, tại sao ta không mở toang cánh cổng đó ra?
Hãy làm điều đó ngay từ hôm nay. Hãy sắm cho mình một cái túi chứa đầy sự hào phóng của tâm hồn, một cái túi căng phồng những món quà của lòng trân trọng. Và cho đi!
Tôi và bạn, chúng ta hãy cho đi trong tất cả năm tháng cuộc đời. Hãy cứ cho đi và chẳng cần sự đền đáp trở lại.
Như thế, sự cho đi mới là đích thực. Nếu không, ta sẽ trở thành một kẻ buôn bán. Kẻ buôn bán thì chỉ thu về được lợi nhuận, nhưng hắn chẳng bao giờ biết hạnh phúc là gì. Hóa ra, hắn mới là chính người thiệt thòi.
Bạn hỏi: “ Tôi cho đi thế nào đây khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn? Tôi đâu phải Bill Gates?”
Vậy, này bạn thân mến. Cốt tủy của sự cho đi không nằm ở số tiền của, mà nằm ở tấm lòng. Chẳng phải cứ quăng tiền vô tội vạ vào quỹ từ thiện nào đó, hay thẩy mấy đồng lẻ vào nón kẻ ăn mày mà làm nên ý nghĩa của việc cho đi. Không. Đó chỉ là sự bố thí vô nghĩa lí. Và còn tệ hơn nếu ta khinh thường người được cho. Như vậy, ta cho họ một chút tiền của, nhưng lại lấy mất danh dự của họ. Đó là một hành vi rẻ mạt.
Còn sự cho đi thì đòi hỏi thành tâm và lòng trân trọng.
Hãy đọc câu chuyện này:
Ở Ấn Độ thời xa xưa, mọi người dân đều tôn thờ Đức Phật. Ngài là bậc thánh của sự tuyệt đối, là ánh sáng của mọi chân lí, là biển cả của lòng từ bi vô hạn.
Một lần đó, quốc vương Ấn Độ muốn tổ chức một đêm hoa đăng rực rỡ để cúng dường lên Đức Phật. Tất cả dân chúng nô nức sắm sửa đèn nến. Những nhà quan lại, những nhà giàu có đua nhau trưng bày những chiếc đèn lộng lẫy, tẩm hương thơm ngào ngạt. Cả một kinh thành lung linh trong ánh sáng.
Một bà lão ăn xin thấy thế lòng buồn rười rượi. Bà tôn thờ Đức Phật. Nhưng bà thì quá vô sản, lấy đâu tiền mua đèn bây giờ.
Bà lục túi trong, rồi túi ngoài, chẳng có gì. Bà chỉ có một bát cơm xin được lúc chiều. Bà đánh liều tới tiệm bán dầu, khẩn khoản đổi bát cơm lấy một muỗng dầu thắp. Chủ tiệm thấy tội nghiệp, múc cho bà một chén dầu miễn phí. Nhưng bà kiên quyết đổi bằng bát cơm. Chủ tiệm miễn cưỡng đồng ý.
Bà lão thắp chén dầu ấy lên bằng tất cả trái tim thành kính. Rồi bà tiến vào trong thành. Nhưng đến cổng thành, bà bị lính canh chận lại. Họ không cho ăn mày vào dự hội hoa đăng, đó là chiếu chỉ của vua.
Quá buồn, bà lão bất giác quỳ xuống, nước mắt tuôn tràn. Nhưng Đức Phật , người biết hết mọi chuyện…
Một cơn gió bất chợt nổi lên. Mạnh mẽ và dứt khoát, gió thổi tung cổng thành, gió thổi tắt tất cả những ngọn đèn lộng lẫy, kiêu sa. Chỉ duy nhất chén dầu của bà lão ăn xin còn cháy sáng. Nó không thể bị thổi tắt, vì nó cháy bằng cả trái tim bà.
*
* *
Ở Palestine có một câu chuyện khác, câu chuyện được kể trong Phúc Âm của Chúa Jesus.
Một lần Chúa Jesus quan sát mọi người bỏ tiền vào thùng dâng cúng đền thờ. Có lắm kẻ giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng Roma. Chúa Jesus nói với các môn đệ: “ Thầy bảo thật anh em, bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Còn bà này thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”.
*
* *
Nếu như bạn đã hiểu, điều quan trọng nhất của sự cho đi, đó là hãy cho đi hết cả tấm lòng, cho đi hết những gì có thể. Thế thì một ly nước được bưng bằng cả hai tay cho kẻ lỡ đường xa lạ. Hay trong trường hợp nào đó, chỉ là một nụ cười trìu mến với một bé thơ… Tất cả đều có thể trở thành những món quà giá trị.
Nó giá trị bởi vì ta đã cho đi bằng hết những gì có thể! Mấu chốt ở chỗ này: hết những gì có thể!
Không dễ gì làm được việc này trong một sớm một chiều. Thế nên bạn có thể bắt đầu sự nghiệp cho đi của mình với những món quà “nho nhỏ”, nhưng đừng cho phép tấm lòng mình nhỏ bé mãi.
Ban đầu, bạn hãy cho đi những vật phẩm không quá cần thiết mà bạn đang có. Chẳng hạn, một vài chiếc sơ mi trong tủ đầy quần áo của bạn. Hay, tặng hẳn một chiếc đồng hồ khi mà bạn có đến hai chiếc.
Rồi, khi bạn đã trở thành con người của sự hào phóng. Hãy trải nghiệm những hi sinh nho nhỏ.
Ví dụ như hủy một lần tổ chức sinh nhật, lấy số tiền đó mua sách vở cho học sinh nghèo. Hay thậm chí nhường hẳn ghế ngồi cho một cụ già, chấp nhận đứng suốt trên một chuyến tàu đi đường xa…
Cho đến khi bạn thực sự hiểu được rằng, không có gì sung sướng bằng khi ta luôn có điều gì đó để cho đi.
Thế thì, hãy dũng mãnh hơn nữa. Hãy vươn tới lí tưởng của những con người siêu phàm.
“ Cho đi tất cả, có nghĩa là trở thành tất cả”
Một người siêu phàm dám cho đi mạng sống mình nếu cần. Không còn chỗ cho bất kỳ sự luyến tiếc nào cả.
Những con người như thế, trái tim của họ là báu vật của cả nhân loại. Dòng lịch sử nghiêng mình trước họ, và dành cho họ những trang viết bằng vàng ròng. Họ là định nghĩa của một tâm hồn giàu có.
Tôi không hiểu họ cảm thấy thế nào, đơn giản vì tôi chưa trở thành một người trong số họ.
Nhưng tôi có thể kể về họ với tất cả niềm kính phục. Đây là một trong vô số huyền thoại về họ.
Vào một thời kỳ xa xưa, có một vị vua nổi tiếng với lòng nhân từ. Ông ta không ngừng quan tâm tới thuộc hạ và dân chúng. Ông ta hào phóng đến mức lạ lùng. Ông ta giống như sinh ra là để cung phụng cho thiên hạ. Có lẽ vì thế nên đất nước của ông ngày một phồn thịnh. Tên của vị vua đó là Thiện Tuệ.
Khi mà vương quốc của vua Thiện Tuệ nhanh chóng phát triển, vua của nước lân bang bắt đầu nhòm ngó. Ông ta sớm nhận ra vương quốc của vua Thiện Tuệ chỉ mạnh về kinh tế, trong khi rất yếu về quốc phòng. Ngân sách quốc gia chủ yếu để lo cho đời sống của dân.
Một kế hoạch xâm lược được vạch ra. Quân đội được củng cố hùng hậu, tinh nhuệ. Vào một ngày không báo trước, ông ta kéo đoàn quân như vũ bão ào ạt qua xâm lược vương quốc của vua Thiện Tuệ.
Trinh sát tức tốc báo về kinh, cả đất nước đều vô cùng lo lắng và hoang mang. Ai cũng biết quân đội của vua Thiện Tuệ rất yếu. Đức vua suy tính:
“ Nếu để chiến tranh xảy ra, đất nước của ta sẽ trở thành biển máu. Bá tánh sẽ chìm trong biển lửa tang tóc mà kết quả cuối cùng cũng chỉ có con đường thua. Mặt khác, vua nước lân bang cũng là ông vua giỏi. Dưới triều đại của ông ta, dân chúng cũng được no ấm”
Như vậy, vua Thiện tuệ quyết định bỏ ngôi. Ông ra lệnh toàn quân buông vũ khí đầu hàng. Còn mình thì lặng lẽ bỏ vào rừng.
Đoàn quân xâm lược kia ào ào xông đến tận kinh thành không hề gặp một chút kháng cự. Vua xâm lược chiếm được cả một vương quốc trù phú không mất lấy một giọt máu. Điều đó khiến ông ta hoang mang hơn là vui mừng. Lệnh truy nã dán khắp nơi: ai nộp được đầu vua Thiện Tuệ thưởng một nghìn lượng vàng.
Một ngày kia, ở vùng sơn cước hẻo lánh, một người dân nghèo gặp phải tình cảnh túng quẫn: mẹ anh ta bệnh nặng mà bán hết ruộng vườn vẫn không đủ tiền chữa chạy. Trong cơn khốn đốn, anh nghĩ ngay đến vua Thiện Tuệ và khăn gói lên đường tìm vua xin giúp đỡ. Có lẽ sống ở vùng quá xa xôi, nên anh chẳng hay biết tin tức thời sự gì về cuộc xâm lược.
Khi đi ngang qua một khu rừng, tình cờ anh thấy một người quần áo tả tơi đang trong tình trạng kiệt sức. Thương tình, anh dừng lại, chia sẻ phần lương khô ít ỏi của mình với người đó. Hai người bắt đầu trò chuyện. Anh đem hoàn cảnh và ý định tìm vua Thiện Tuệ kể cho người lạ mặt. Không ngờ, nghe song người đó nói:
– Thiện Tuệ chính là tôi. Hiện tôi còn thê thảm hơn cả anh. Nhưng anh đừng lo, người ta đang trao giải một nghìn lượng vàng cho ai bắt được tôi. Vậy anh hãy trói tôi mà đi lĩnh thưởng.
Người dân nghèo sau một phút ngỡ ngàng, anh ta liền khăng khăng từ chối. Nhưng vì vua Thiện Tuệ quá thuyết phục, cuối cùng anh đồng ý.
Ba ngày sau, người dân nghèo dẫn vua vào cung. Lập tức anh được thưởng một nghìn lượng vàng. Nhưng trước khi ra về, vị vua xâm lược triệu anh đến hỏi: “Làm thế nào nhà ngươi bắt được vua Thiện Tuệ?”
Anh dân nghèo thành thật khai báo mọi chuyện, kể rõ về ý tưởng đổi mạng lấy tiền thưởng của vua Thiện Tuệ.
Ông ta cứng đờ người nhìn Đức vua của lòng nhân từ không chớp mắt. Một cái gì đó đổ sụp trong lòng ông. Ông rút kiếm, tiến đến gần vua Thiện Tuệ.
– Giết ta đi, mọi lo lắng trong ông sẽ tan biến – vua Thiện Tuệ nói
– Nếu tôi giết Ngài hôm nay. Lương tâm sẽ giết tôi trong suốt quãng đời còn lại.
Vị vua xâm lược nghẹn ngào trả lời. Ông đích thân cắt dây cởi trói. Rồi hai tay cung kính trả lại ngôi báu cho Đức vua của lòng nhân từ. Vị vua kì lạ ấy chính là một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca .
*
* *
Chuyện kết khúc thật tốt đẹp. Nhưng sẽ ra sao nếu vị vua nhân từ của chúng ta bị đem ra hành quyết? Chẳng phải như thế là mất tất cả sao?
Đối với chúng ta, có lẽ đúng như vậy. Nhưng với một người sẵn sàng cho đi tất cả, thế thì ngược lại.
Còn hay mất một ngôi báu, thậm chí một cái đầu, điều đó vô nghĩa lí đối với họ.
Chẳng phải sau mấy mươi năm, tất cả đều sẽ không còn sao? Chẳng có gì khác biệt lắm.
Nhưng điều ở lại trong họ mới thật sự là bất tử: một tâm hồn đã trở thành vô giá, một hạnh phúc đã trở thành biển cả, và một bài học sống mãi với thời gian:
“ Cho đi tất cả, có nghĩa là sẽ trở thành tất cả.”
Vậy thì chúng ta còn phải chờ đợi điều gì nữa?
Hãy bước ra và dâng tặng vào cuộc sống kia bằng tất cả sự giàu có của tâm hồn, bằng tất cả sự quý báu của con tim.
Thiên đường đang chờ đón bạn.