TIN QUỶ THẦN

0
2526

Tôi có một người chị bà con cô cậu ruột, chị ấy ghiền trầu từ thời con gái nên ai cũng gọi chị là Ba trầu. Đi đâu chị cũng đem đủ đồ nghề; trầu, cau, vôi, thuốc; ghiền đến mức có lần chị nói bỏ chồng được chứ bỏ trầu không được.
Chồng chị mất sớm để lại tài sản khá nhiều nên dù một mình phải nuôi bốn đứa con chị cũng không đến nỗi vất vả lắm. Khi các con của chị lớn khôn và có gia đình riêng, chị sống với đứa con trai út. Chị rất gắn bó với gia đình chúng tôi, đi đâu về ngang hay ghé thăm mẹ tôi khi thì miếng bánh khi thì một ít trái cây tươi. Đặc biệt, khi gia đình chúng tôi có tiệc tùng gì chị thường đến sớm một, hai ngày để phụ. Chị nấu nướng rất khéo nhất là những món đặc sản ai ăn vào cũng đều khen ngợi.
Do gia đình khá giả, ít phải lo chuyện cơm áo gạo tiền nên chị hay đi dự tiệc tùng cúng quảy. Biết chị chỉ đi đám tiệc, đám giỗ mà không thấy chị đi chùa bao giờ nên có lần tôi hỏi chị nguyên nhân vì sao? Chị làm thinh một hồi mới đáp: Tại truyền thống gia đình và chị cũng không quen ăn chay.
Chuyện chùa chiền, chị không mặn mòi nhưng nói đến cúng miếu chị rất sôi nổi. Có lần chị kể cho tôi nghe sự linh ứng của ngôi miếu cổ nằm trên đất vườn của chị. Đó là ngôi miếu đã được dựng lên từ thời mới khai hoang mở đất. Ngôi miếu đã được tu sửa nhiều lần, dù là miếu của riêng gia tộc nhưng do sự linh ứng nên người dân sống chung quanh vẫn đến cúng chung. Nghe rằng ai cầu xin điều gì đa phần đều được như nguyện vì vậy càng ngày càng có nhiều người đến lễ bái, hương khói quanh năm.

Chị kể cách đây khoảng mười năm, có một người hỏi mua một cây me tây mọc cạnh miếu để làm bàn ghế. Do cây rụng nhánh hay trúng nóc miếu nên chị đồng ý bán nhưng khuyên ông ấy khấn vái xin phép thần miếu. Ông ta chỉ cười mà không khấn vái gì cả, ba cha con xúm nhau đốn cây chỉ trong vòng một ngày là xong. Đêm đó, người con trai lớn sau khi ăn cơm xong đi ra ngoài sân bỗng té xỉu phải đem đi bệnh viện cấp cứu, ở bệnh viện một ngày thì lăn đùng ra chết. Nửa tháng sau, đứa con trai thứ hai của ông mua cây nửa đêm đột nhiên giãy giụa mấy cái rồi tắt thở. Một tháng sau khi đốn cây, người đàn ông ấy qua nhà hàng xóm chơi và gục chết trên bàn do tai biến mạch máu não. Trong vòng một tháng, gia đình chết hết ba người mà ba người này đều liên quan đến việc đốn cây mọc trong đất miếu. Những người sống chung quanh biết chuyện này rất sợ hãi, đến dự đám tang rồi vội vã ra về vì sợ bị vạ lây.
Sự kiện trên khiến họ càng tin tưởng vào sự linh ứng của ngôi miếu. Khi có việc gì khó khăn trong cuộc sống, họ thường đến miếu cúng vái cầu xin. Theo lệ thường, mỗi năm cúng hội miếu một lần, mỗi lần cúng một con heo, hai chục gà vịt nếu có ai phát tâm muốn cúng thêm cũng được. Chị kể, có năm con chị đi mua bán xa, cầu xin thần miếu phù hộ, đợt đó lời to, con chị cúng cả một con bò. Cúng xong đem đãi bà con lối xóm rất vui vẻ. Năm đó gia đình chị làm ăn rất phát đạt. Chị nói: ” Càng cúng lớn, càng hên”.

Biết chị tin quá sâu nặng vào quỷ thần, tôi chỉ nhẹ nhàng phân tích cho chị hiểu. Thần chưa thoát khỏi luân hồi lục đạo, họ có quyền lực có thể giúp ta chuyện này chuyện nọ nhưng nhân quả thì ta gánh chịu. Việc giết vật quá nhiều để tế thần, chính ta là người chịu quả báo. Tốt nhất nên hạn chế sát sinh nếu cúng chay thì sẽ tránh được quả báo. Chị ấy cười bảo, truyền thống bao đời làm sao bỏ được, ai mà cúng đồ chay trong miếu bao giờ. Tôi lắc đầu chịu thua tính cố chấp của chị.
Sau ngày mẹ tôi mất thì chị Ba trầu cũng ít ghé thăm. Có lần gặp chị ngoài chợ thấy chị gầy sút nhiều, tôi hỏi thăm thì được biết người con trai út của chị đi mua bán bằng thuyền máy do đêm tối bị đụng tàu, thuyền chìm mất hết tài sản còn người thì ngơ ngơ ngáo ngáo như bị ma nhập. Lớp rầu của, lớp rầu con, chị ăn không ngon ngủ không yên nên sức khỏe suy sụp. Tôi an ủi động viên chị.

Ba tháng sau, nghe tin chị bệnh nặng, tôi đến thăm thì chị đã nằm liệt giường, mắt nhắm nghiền, thở khò khè, tôi lay gọi thì mở mắt nhưng nhìn với ánh mắt vô hồn. Lưng chị do nằm lâu bị lở loét nhiều mảng lớn ứ đầy máu mủ, nước vàng. Con chị phải rửa thay băng một ngày hai lần mà vẫn tanh hôi cả căn phòng. Có một điều lạ là chị ăn rất khỏe, một bà già ốm tong teo, hai mắt nhắm nghiền, thở khò khè mà một bữa ăn hết một tô cơm to tướng. Thật là lạ.

Thấy chị quá yếu, tôi bàn với cô cháu dâu nên thờ Phật để sau này thuận tiện việc cúng cho chị. Không ngờ cô ấy chỉ tay vào hai khung hình thần độ mạng và bảo: ” Có thờ rồi”. Tôi rất buồn vì câu trả lời đó. Cô ấy thừa sức phân biệt được đâu là Phật, đâu là thần nhưng cố ý nói cho xong chuyện. Thôi thì nhà của chị, mình góp ý mà chị không nghe thì thôi.
Chị Ba trầu mất vào đêm mười sáu tháng bảy. Tôi đi dự lễ tang trong tâm trạng u buồn vì vừa mất người thân vừa lo không biết thần thức của chị sẽ đi về đâu khi cả đời chỉ biết thờ thần, cúng miếu. Để cầu siêu cho chị, cháu tôi phải chạy mượn hàng xóm ảnh Phật. Lòng tôi lại thêm chua xót, mình là Phật tử mà không lo được cho chị một tấm hình Phật để cầu nguyện, âu cũng là duyên nghiệp.
Vào ngày thứ mười lăm sau lễ tang của chị, đêm ngủ tôi nằm mơ thấy chị vào nhà tôi với vẻ mặt giận dữ, chị bảo: “Hai đứa con trai quậy muốn sập bàn thờ của tao”. Trong mơ, tôi nắm tay chị năn nỉ: “Chị bớt giận để em sửa bàn thờ lại cho”. Tôi giật mình tỉnh dậy, không hiểu có chuyện gì xảy ra.
Sáng hôm sau, tôi vội đến nhà chị thì thấy bàn thờ chị vẫn nguyên vẹn, khói hương nghi ngút nên thấy lòng nhẹ nhõm. Vợ chồng đứa con trai út của chị tiếp tôi, tôi hỏi: ” Từ hôm đám tang chị Ba đến nay có xảy ra chuyện gì không mà sao hồi hôm nằm mơ thấy chị về với vẻ mặt giận dữ, chị ấy bảo anh em bây quậy muốn sập bàn thờ của chị”. Người con trai út xanh mặt thú nhận: “Hôm làm mộ mẹ con xong, con có tổ chức một buổi tiệc mời bà con, anh em cực khổ phụ đám mẹ con để tạ ơn. Không ngờ anh của con trong buổi tiệc đó lại đưa vấn đề đất đai ra đòi chia, con bảo anh ấy muốn gì thì cũng đợi qua một trăm ngày đám của mẹ, anh ấy không chịu cứ chửi bới dậy cả lên, con nhịn không được nên xảy ra xô xát”. May nhờ có bà con can ngăn nếu không chắc có đổ máu.
Tôi lắc đầu nói, anh em tụi bây thiệt là tệ, mẹ mới mất có mười lăm ngày mà đã xào xáo. Người chết trong vòng bốn chín ngày vẫn chưa siêu thoát, rất dễ nổi giận trước những điều sai trái của thân nhân. Đứa con trai út của chị tỏ vẻ bồn chồn, lo lắng. Tôi đến thắp nhang bàn thờ chị, khấn thầm: ” Chị đừng giận nữa, con chị đã biết lỗi rồi”. Trước khi ra về, tôi căn dặn cháu cúng cơm nước, nhang khói cho đàng hoàng. Cháu đáp: ” Dạ, con nhớ”!

Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp cháu. Ba ngày sau, tôi hay tin cháu bị đau bụng phải chuyển lên bệnh viện thành phố. Hai ngày sau, xe cứu thương chở cháu về, cháu mất tại nhà sau đó vì bệnh ung thư gan giai đoạn cuối không thể điều trị.
Đến dự đám tang cháu, tôi ngỡ mình đang chiêm bao, vẫn cái rạp đó, vẫn dàn nhạc đó và mùi nhang khói đó… Vợ cháu khóc xỉu tới xỉu lui, con cái trong nhà đứa nằm mẹp cạnh quan tài, đứa trong phòng giãy giụa, gào kêu cha ơi cha hỡi. Ôi, cái thảm cảnh có người thân đột ngột ra đi thật kinh hoàng, người ngoài cuộc thấy còn chịu không nổi nói chi kẻ trong cuộc. Hai bàn thờ vải trắng xóa, khói hương nghi ngút, trống kèn inh ỏi. Chịu sao nổi hai đám tang xảy ra trong một tháng ở một căn nhà.
Đợi đứa cháu dâu bình tĩnh lại, tôi khuyên nên thờ Phật để cầu nguyện. Cô ấy đồng ý chịu thờ, tôi vội về nhà đem ảnh Phật đang thờ vào để thờ tạm trong đám tang. Sau đó, tôi thỉnh một khung ảnh Phật mới nhờ các Sư cô chú nguyện vài ngày rồi mới thỉnh về cho cháu thờ. Ngày rước ảnh Phật về, thấy cô cháu dâu quỳ lạy Phật, nước mắt tuôn rơi đầm đìa, tôi xót xa thầm cầu nguyện Phật từ bi gia hộ cho gia đình còn lại của cháu tôi được yên ổn.
Bây giờ khi tôi viết những dòng chữ này, những người còn lại trong gia đình của chị Ba trầu đều đã quy y Tam Bảo kể cả người con trai hay uống rượu rồi quậy cũng thỉnh tranh tượng đức Bồ Tát Quán Thế Âm về thờ. Sau khi thờ Bồ Tát một thời gian, anh ta đã bỏ rượu và có công ăn việc làm ổn định. Còn cô cháu dâu sau đám tang đã dẹp bỏ hai khung hình thần độ mạng, hết lòng thờ Phật, lễ lạy hàng đêm, các rằm lớn đều đến chùa cúng dường.
Theo tục lệ của dòng họ, tuy không từ bỏ việc cúng miếu nhưng con cháu bây giờ chỉ cúng trái cây hoặc ra chợ mua thực phẩm về chế biến chứ không trực tiếp sát sanh như thời của chị Ba trầu. Âu cũng là sự thay đổi khá lớn đối với một tập tục lâu đời.

( DiệuThiên )

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận