CẢ HAI CÙNG CỨU

0
330

_Truyện ngắn_

(Dựa trên một câu chuyện có thật tại bệnh viện 103 Hà Nội)

Cuối xuân, thời tiết hãy còn mưa phùn, nồm ẩm, khá nhớp nháp và khó chịu, thi thoảng mới xuất hiện vài tia nắng rời rạc, khiến cả bầu không gian nhuốm một màu ảm đạm, u buồn. Trong căn phòng nằm sâu phía sau khuôn viên của Câu Lạc Bộ Trẻ Tự Kỷ, từng ấy đứa nhỏ đang ngồi yên lặng, mỗi đứa một góc, trầm ngâm với thế giới riêng nhỏ bé của mình. Đứa thì cặm cụi ráp từng miếng lego vào nhau một cách vô thức, chẳng theo hình thù nào cụ thể, đứa dùng bút chì màu vẽ nguệch ngoạc trên một tờ giấy đã được phủ gần kín cả trang, đứa lại chỉ ngồi thu lu một chỗ, chẳng thèm động đậy… Bầu không khí có phần buồn tẻ ở đây chỉ được khuấy động khi cô giáo Phương bước vào lớp.

Bọn trẻ đang chờ Phương. Vừa thấy cô xuất hiện, một nửa trong số chúng bỏ dở những thứ đang làm, lon ton chạy ra, còn lại một số bé vẫn không nhúc nhích. Lũ trẻ này bình thường chẳng mấy khi giao tiếp với ai, chỉ Phương mới có khả năng khiến chúng mở lòng, khám phá thế giới bên trong những tâm hồn non nớt của chúng.

Phương tốt nghiệp thạc sỹ tâm lý học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện vừa là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Trẻ Tự Kỷ Hướng Dương, vừa đảm nhiệm vai trò giáo viên trong lớp học giáo dục đặc biệt này. Hàng ngày, Phương trò chuyện, chia sẻ với lũ trẻ về thế giới xung quanh, giúp chúng kết nối với cuộc sống. Đối với cô, đây không đơn thuần chỉ là một công việc, mà còn là sứ mệnh mà cô đã lựa chọn bấy lâu.

Ngoài hai buổi đứng lớp, tan làm, Phương chẳng mấy khi đi đâu, vì ở nhà còn một em học trò đặc biệt cần Phương chăm sóc. Đó là Tú Anh, em gái ruột, nay đã 20 tuổi. Ở cái tuổi trẻ căng tràn, Tú Anh chỉ quanh quẩn trong nhà, không mấy khi tiếp xúc với xã hội, trừ phi có việc bắt buộc phải ra ngoài, mà có đi đâu cũng đều đi cùng chị Phương. Mặc dù cô luôn khao khát được bước ra ngoài đời, khám phá thế giới, thế nhưng không hiểu vì sao cứ có một thứ gì đó vô hình cản trở, khiến Tú Anh rất rụt rè.

Vừa thấy chị mở cửa bước vào nhà, Tú Anh vội vã từ trong phòng đi ra, kéo chị vào một góc, thủ thỉ:

– Nãy khi đi tắm, em thấy có cục gì đó cứng cứng, nằm ở bên ngực phải chị ạ.

Đôi mày Phương nhíu lại, tròng mắt giãn to, kéo em gái bình tĩnh ngồi xuống giường, đáp:

– Nếu vậy, chị đưa em đi viện kiểm tra. Có gì thì bác sỹ chữa trị cho em, không phải lo lắng.

Sáng hôm sau, Phương sắp xếp công việc ở câu lạc bộ, đưa Tú Anh lên viện Ung Bướu. Sau một ngày miệt mài chạy khắp bệnh viện, làm đủ các loại xét nghiệm, kết luận quả thật có hai khối u khá to, nhưng may mắn là u xơ lành tính, chỉ cần mổ cắt bỏ nó đi là xong.

Phương thở phào, nói gở mồm, chẳng may Tú Anh có làm sao thì hai chị em không biết xoay sở thế nào. Nhà neo người, Phương vừa đi làm lo kinh tế, vừa nuôi nấng em. Cô nghỉ làm thì không có tiền, mà đi làm thì không có ai chăm sóc nó. Tuy là chị, nhưng đối với Tú Anh, Phương chẳng khác nào một người mẹ.

Hai chị em ra khỏi bệnh viện, Tú Anh níu tay chị hỏi:

– Giờ mình làm gì hả chị?

– Đi về thôi, chị sẽ áp dụng phương pháp chữa lành cho em, đừng vội mổ.

Tú Anh gật đầu, theo chị đi về. Từ trước tới nay, dù chuyện lớn nhỏ thế nào, Tú Anh đều nghe theo Phương, ít khi tự quyết định được điều gì.

Một thời gian sau khi áp dụng phương pháp chữa lành mà Phương có dịp làm quen từ trước, một khối u nhỏ đã tự tiêu, chỉ còn khối u to hơn vẫn chưa xẹp xuống. Chưa kịp ăn mừng thì Tú Anh lên cơn sốt cao, khối u còn lại đó bỗng đau nhức, cả vùng ngực phải của cô căng tức, nóng ran.

Tình trạng cứ kéo dài như vậy suốt hai ngày không thuyên giảm, Phương sốt ruột, không thể chờ đợi được nữa, liền đưa em gái lên viện 103 và được các bác sỹ chỉ định mổ ngay, vì khối u đã lên áp xe, gây nhiễm trùng nặng.

– Chị ơi, em sợ lắm, mổ có đau không? – Tú Anh nép vào vai Phương, thỏ thẻ, sợ hãi nói.

– Em yên tâm, có chị đây rồi, các bác sỹ sẽ gây mê cho em, em cứ ngủ một giấc tỉnh dậy là xong xuôi hết.

Vẻ mặt Tú Anh vừa ngẩn ngơ, vừa lo lắng, nhưng cô tin lời chị Phương.

Rất nhanh chóng, Tú Anh được làm thủ tục nhập viện, chờ sắp xếp lịch rồi tiến hành mổ ngay ngày hôm sau. Kể từ hôm đó, Phương đành phải nhờ một cô giáo khác đứng lớp ở câu lạc bộ, còn cô toàn tâm toàn ý trong viện chăm em hậu phẫu.

Ba ngày sau, bác sĩ Hoàng, người trực tiếp thăm khám điều trị cho Tú Anh, cho gọi người nhà vào phòng trực để nói chuyện.

Phương gõ cửa bước vào, thấy một anh bác sĩ trẻ, trông anh ta khá bảnh bao trong chiếc áo blouse trắng dài tới gối, dáng vóc rất cuốn hút, nhưng vẻ mặt có vẻ nghiêm nghị và hơi suy tư.

– Chào bác sĩ. Em là người nhà của bệnh nhân Tú Anh.

– Chào em, mời em ngồi.

– Dạ

Bác sĩ Hoàng nhìn hồ sơ bệnh án một hồi, trầm ngâm nói:

– Thật đáng tiếc, sau khi đem khối u đi giải phẫu, chúng tôi đã có kết luận đây là u ác tính.

Sắc mặt Phương bỗng nhiên khựng lại.

Bác sĩ Hoàng nói tiếp:

– Chúng ta cần phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú phải, nếu không những khối u khác sẽ tiếp tục mọc lên. Và phải thực hiện sớm. Nếu gia đình đồng ý, tôi sẽ kiểm tra xem lịch mổ sớm nhất có thể là khi nào.

Phương vẫn chưa hết bàng hoàng, tưởng sau lần mổ vừa rồi là yên tâm chuẩn bị về nhà, ai ngờ đâu điều mà cô lo lắng nhất cuối cùng đã xảy ra.

– Nếu như cần phải cắt bỏ, thì bác sĩ cứ tiến hành giúp cho. Nhưng hai lần mổ gần nhau như vậy liệu có ổn không ạ?

– Tất nhiên mổ liên tục thì người bệnh sẽ mệt hơn, nhưng cũng đành phải như vậy thôi, đó là phương án tốt nhất. Em cứ cho bệnh nhân bồi bổ thịt cá vào, còn lấy sức.

– Dạ, bệnh nhân ăn chay trường, nên không ăn thịt cá được.

Bác sĩ Hoàng mở to mắt, nhìn Phương ái ngại:

– HaizZ, ăn chay thì sao đủ chất được, nhất là trong hoàn cảnh bệnh tật như thế này. Trường hợp của Tú Anh rất nặng đấy. Tôi cảnh báo trước. Đây là một trong những ca bệnh khó nhất mà chúng tôi từng gặp.

Nói xong, bác sĩ Hoàng nhìn thấy trên cổ của Phương đeo một chiếc tràng hạt màu nâu, liền hỏi:

– Nhà em theo Phật à?

– Vâng.

– Phật đang cứu em gái của em hay chúng tôi đang cứu cô ấy?

Phương trả lời bằng cái giọng cứng rắn, đanh thép bất ngờ:

– Cả hai thưa bác sĩ.

Bác sĩ Hoàng thở dài, nhìn Phương một lượt, trông dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt nhẹ nhàng, giọng nói dễ thương như thế, ấy vậy mà cũng có vẻ cá tính phết.

– Thôi thì tùy, đấy là vì sức khỏe của bệnh nhân, có thế nào hai cô cũng là người tự gánh lấy. Chúng tôi chỉ có thể làm hết sức mình, nghe hay không là ở các cô.

Phương trong lòng không hề để ý gì tới thái độ của bác sĩ, đang mải nghĩ về căn bệnh ung thư đang đe dọa tính mạng Tú Anh.

Trở về phòng bệnh, Phương chưa nói với em, trong đầu còn đang nghĩ cách. Vốn là một Phật tử, nhưng thực tình cô chưa thông tỏ nhiều về giáo lý, hết lòng tin tưởng sức từ bi cứu độ chúng sinh của chư Phật, nhưng lại chưa biết cụ thể phải làm như thế nào. Đây là lần đầu tiên cô rơi vào tình cảnh gấp rút như vậy, trong đầu bất chợt rối ren.

Tranh thủ những lúc rảnh, Phương lên mạng tham khảo cách chữa bệnh bằng Phật Pháp, tình cờ nhìn thấy thông tin ấn tống kinh sách, đưa mắt nhìn qua một lượt, ánh mắt dừng lại ở cuốn sách có tiêu đề “Bệnh viện trả về, Phật Pháp cứu sống”. Phương như vớ được vàng, lòng cô khấp khởi hy vọng, lập tức nhắn tin xin thỉnh .

Chỉ sau hai ngày, bên giao hàng đã gọi điện giao sách, Phương ngấu nghiến đọc, một hồi là xong. Tâm trí như bừng tỉnh, cộng với tín tâm sẵn có với Tam Bảo, Phương lập tức thực hành theo.

Cô nhìn Tú Anh- cô em gái hiền lành, nhút nhát của mình, nói:

– Khối u này là khối u ác tính, tình hình cũng khá nghiêm trọng. Nhưng em không phải lo, đã có Phật Pháp, giờ em tu tập tạo công đức cùng chị, tập trung hồi hướng cho khỏi bệnh. Chị tin nếu chị em ta một lòng chân thành, thì nhất định chư Phật sẽ gia hộ cho em.

Tú Anh, vốn đang yếu, khi nghe tin lại càng buồn. Cô chẳng biết làm sao, chị bảo sao thì cô nghe vậy. Cô cũng chỉ có một chỗ nương tựa duy nhất là chị Phương.

Kể từ hôm đó, hai chị em miệt mài đọc kinh, chép kinh, niệm Phật,  trì chú Vãng Sinh, sám hối theo cuốn Từ Bi Thủy Sám, bật đài đọc kinh Địa Tạng lên cho chúng sinh nghe… làm được việc gì, họ đều làm hết.

Bà Yến, một bệnh nhân nằm cùng phòng, ngay cạnh giường của Tú Anh, thấy tiếng đài lầm rầm, liền quát:

– Tắt đài đi đi. Đau đầu quá. Chúng mày cứ làm cái gì suốt mấy ngày nay thế.

– Chúng cháu tu tập Phật Pháp để giúp Tú Anh khỏi bệnh bà ạ.

– Chúng mày bị làm sao đấy. Lo mà bồi bổ, chăm sóc nó cho tốt vào. Toàn thấy ăn rau với cỏ thế này thì khỏe làm sao được. Đến tao ăn thịt mà còn mãi chưa hồi phục.

Tú Anh mải nghe đài, không để ý đến bà Yến, còn Phương thì im lặng chẳng nói gì, nhưng cô lặng lẽ ra tắt đài, đỡ làm phiền mọi người xung quanh.

Vốn là một người khá nhạy cảm với tâm linh, thường có chút kết nối với cõi vô hình, đêm hôm đó, Phương nhìn thấy rất nhiều hình bóng mờ nhạt của các vong linh đang đi lại trong bệnh viện, rồi đâu đó những âm thanh văng vẳng bên tai, xin Phương tiếp tục bật đài đọc kinh lên cho họ được nghe.

Những vong linh sống trong cảnh giới ngạ quỷ chịu nhiều khổ sở, đói khát, nghiệp chướng nặng nề, nhờ nghe kinh mà tâm thức họ được an ổn, tiêu nghiệp, tăng phúc, đủ nhân duyên sẽ siêu thoát về chốn an lành.

Thấu cảm sự tha thiết và nỗi khổ của chúng sinh, cô lựa tình hình, cố gắng bật đài cả ngày lẫn đêm, nhưng vặn âm lượng nho nhỏ, hạn chế làm phiền người khác.

Chiều cùng ngày, Bác sĩ Hoàng thông báo với Phương:

– Tôi đã sắp xếp được lịch mổ cắt tuyến vú cho Tú Anh vào thứ tư này, tính ra cách ca mổ vừa rồi đúng một tuần thôi. Cô nhớ tẩm bổ cho bệnh nhân, không thì khổ thân con bé.

Bà Yến vừa từ phòng vệ sinh trở vào, nghe thấy câu nói này, vội đá thêm:

– Đấy, tôi đã bảo mà chúng nó có chịu nghe đâu. Mày có thương em mày không mà để nó ăn uống như thế hả? Bác sĩ người ta còn phải kêu kia kìa.

Vừa dứt lời, bà Yến quay ra xuýt xoa:

– Bác sĩ gì mà vừa trẻ vừa đẹp trai quá, lại còn giỏi nữa. Thế bác sĩ có người yêu chưa?

– Bà có ai giới thiệu cho cháu.

– Ây da, cái con bé Phương này, kể ra đứng với bác sĩ trông cũng đẹp đôi đấy. – bà Yến vừa nói vừa khúc khích cười.

Phương quay ra đưa mắt nhìn bà Phương, tiện thể xéo mắt qua bác sĩ Hoàng, bĩu cái môi rồi quay đi chỗ khác.

Hoàng nhắc lại lần nữa:

– Cô nhớ lịch mổ cho em gái đấy.

– Tôi nhớ rồi, cảm ơn bác sĩ.

Hoàng tiếp tục đi thăm khám cho các bệnh nhân khác, không quên liếc mắt nhìn Phương một lần rồi trở ra.

Ngày thứ tư, đúng như lịch, Tú Anh lên giường mổ. Phương ở bên ngoài, miệng liên tục lầm rầm niệm Phật. Ngay trước giờ mổ, chợt từ cửa phòng, bác sĩ Hoàng bước ra, cảm thán:

– Thật kì lạ! Bệnh viện đã lấy tế bào đi xét nghiệm lại một lần nữa thì bệnh nhân lại âm tính với ung thư. Tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng trước hết, chúng ta không phải cắt tuyến vú nữa, chỉ cần xử lý chỗ nhiễm trùng là được.

Phương nghe thấy thế, hai mắt chợt long lanh, khuôn miệng nhoẻn cười, reo lên:

– Thật sao? Tôi đã bảo mà. Cả hai đã cứu em tôi: cả chư Phật, cả các anh nữa. Anh tin chưa?

Bác sĩ Hoàng ngơ ngác mất vài giây, mới nhớ ra, đáp:

– Tôi chỉ thấy kì lạ thôi, chả thấy gì nữa cả. Mà cô đừng vui mừng quá sớm, dù không còn ung thư, thì tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân cũng rất nặng, lại vừa mổ xong lần đầu cách có một tuần, hy vọng mọi việc ổn thỏa, chưa thể nói điều gì trước.

Ánh mắt Phương nhìn bác sĩ Hoàng, chợt lắng lòng, hạ giọng nhắn nhủ:

– Mong anh giúp đỡ.

Hoàng nhìn Phương, thực tình rất thông cảm. Suốt thời gian vừa qua, hình như chỉ thấy có mình cô chăm người bệnh, cả ngày lẫn đêm. Mọi thủ tục trong viện cũng đều do mình cô chạy khắp tòa nhà này đến tòa nhà khác. Trong mắt Hoàng, kể ra cô gái này mạnh mẽ hơn cái dáng vẻ bên ngoài.

Hoàng không nói gì, chỉ gật nhẹ đầu với Phương, tỏ ý sẽ cố gắng, rồi trở vào bên trong cánh cửa phòng mổ.

Ba tiếng sau, Tú Anh được các y tá đẩy cáng về phòng hậu phẫu tiếp tục theo dõi. Vết mổ dài 15 cm, mà chưa được khâu ngay, phải dùng thiết bị hút dịch ra ngoài cho tới khi hết, mới có thể xử lý tiếp.

Kì lạ làm sao, với tình trạng như vậy, Tú Anh lại đặc biệt khỏe mạnh, tươi tắn, da dẻ hồng hào, không có chút gì giống người vừa phẫu thuật liên tiếp hai lần. Không những thế, cô hồi phục nhanh ngoài sức tưởng tượng của các bác sĩ.

Vết mổ phanh to như vậy chả mấy chốc đã khô và tự co lại còn một nửa. Trong thời gian hồi phục này, hai chị em vẫn cố gắng tu tập hồi hướng công đức hóa giải với oan gia hết sức tinh tấn, làm được gì là làm, rảnh lúc nào tu lúc đó.

Nhưng kì lạ với ai thì kì lạ, chứ với Phương thì không, cô biết rõ nhờ áp dụng Phật Pháp mà Tú Anh mới được như vậy.

Sự tiến triển vô cùng nhanh chóng của Tú Anh khiến ai nấy đều kinh ngạc, bà Yến cũng phải thay đổi suy nghĩ của mình:

– Ô hay nhỉ, có khi nào đúng là nhờ Phật Pháp?

Bác sĩ Hoàng lúc đó cũng xuất hiện, khuôn mặt vui vẻ, thốt lên:

– Trường hợp này đúng là hết sức đặc biệt, kì lạ thật.

– Ngoài kì lạ ra, anh còn thấy gì nữa không? – Phương hỏi lại.

Hoàng chột dạ:

– Ờ thì … tôi cũng không biết nữa … hay có khi là Phật cứu em cô thật nhỉ?

Bà Yến ngồi bên cạnh, cũng nhanh nhảu chen lời:

– Chả thế thì còn gì nữa, không thì làm sao có thể được như thế này, hả bác sĩ Hoàng đẹp trai ?

Còn điều nữa, tuy Tú Anh không hẳn mắc chứng tự kỷ như những đứa bé ở Câu Lạc Bộ Hướng Dương, nhưng cũng là một người khá nhút nhát, chậm chạp, rụt rè, cô ít khi tiếp xúc với ai ngoài chị Phương. Thế nhưng mấy ngày nay, cô như vừa lột xác thành một con người mới, vui vẻ và tươi tắn, gương mặt rạng rỡ khác hẳn bình thường, mặc dù vẫn còn trong thời gian hậu phẫu.

Chắc chắn tất cả đều nương vào sức tu tập Phật Pháp của hai chị em đã giúp Tú Anh tiêu trừ nghiệp chướng, hóa giải oán thù với các oan gia, giúp cô được thân tâm an lạc như hiện tại. Thậm chí kết quả cô đạt được còn nhanh chóng hơn nhiều trường hợp được kể lại trong cuốn sách “Bệnh viện trả về, Phật Pháp cứu sống”.

Bà Yến cùng mấy người bệnh nằm cùng phòng lần lượt nhờ Phương thỉnh giùm sách để tu tập.

Bác sĩ Hoàng thấy vậy, cười tươi trêu:

– Có khi chúng tôi sắp đỡ mệt rồi, bệnh viện đỡ quá tải. Mô Phật.

Tất cả mọi người có mặt trong phòng cười phá lên, các bệnh nhân kể từ khi vào đây nằm chưa bao giờ vui vẻ đến thế.

Chẳng mấy chốc, Tú Anh được xuất viện, bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với xã hội, có thể tự mình làm được nhiều việc hơn, giảm đi phần nào sự vất vả cho chị gái. Còn cô giáo Phương có lẽ cũng có thêm cho mình một phương pháp hỗ trợ đám trẻ ở lớp học đặc biệt.

Xuân vừa qua, thì hạ tới, nắng ngập tràn khắp nơi, bừng sáng khắp phố phường, len lỏi qua những song cửa ùa vào lớp học. Những đứa trẻ đã bắt đầu mở lòng hơn với cuộc sống nhờ tình yêu thương của cô giáo Phương. Bác sĩ Hoàng và những người bệnh cũng nhen nhóm niềm tin nơi Phật Pháp.

 

_Tĩnh Như_

(Truyện ngắn dựa trên một câu chuyện có thật xảy ra tại bệnh viện 103 Hà Nội năm 2023)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận