Hành trình độ cha về cửa Phật

0
812

(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Trần Thị Thanh Huyền)

Ai mà ngờ được, ở cái tuổi gần sáu mươi, ông Sơn vẫn có một công việc để làm ngày tám tiếng, cũng giờ hành chính như công nhân viên chức chứ chả đùa đâu. Cái hay là công việc của ông tuy chẳng ra tiền nhưng cái ông kiếm được lại quý báu gấp trăm ngàn vạn lần giá trị của tiền, vì đó là một sứ mệnh.
Ngày nào cũng như ngày nào, đều tăm tắp, khi mặt trời đã lên cao, đồng hồ điểm bảy giờ sáng, ông Sơn lại nghiêm chỉnh, tươm tất ngồi vào bàn. Rồi cũng giống như bao người, cặm cặm cụi cụi hết buổi sáng, nghỉ trưa hai tiếng, tan sở lúc sáu giờ. Gọi là tan sở cho vui chứ thực ra trụ sở của ông đặt chính tại nhà, bàn làm việc của ông thì nằm gần ô cửa sổ có những song sắt được sơn màu trắng tinh khôi.
Nắng, gió, và thi thoảng là tiếng hót của những chú chim sẻ vẫn cứ thay phiên lọt qua ô cửa hỏi thăm ông. Dù chúng có thân thiện thế nào thì ông Sơn cũng chả mấy khi đoái hoài đến chúng, bởi vì ông còn bận làm công việc với một tâm thế vô cùng tập trung và đầy tâm huyết: chép kinh. Dù cô con gái tên Huyền của ông có muốn nói chuyện một chút cho vui, mà không biết lựa giờ giấc, cứ nhằm lúc ông đang tập trung mà hỏi thì chỉ có bị đuổi ra chỗ khác ngay.
Nhưng không phải ai cũng biết, ông Sơn còn được khỏe mạnh ngồi đây chép kinh đã hơn hai năm có lẻ, từ 2020 đến nay là 2022, tất cả đều nhờ vào Phật Pháp nhiệm màu, nhờ sự cố gắng không mệt mỏi, và cả những giọt nước mắt những lúc vô vọng cũng như lúc đầy hy vọng của hai cha con.
Trên hồ sơ bệnh án được cất giữ trong hộc tủ, những nét mực cũ kĩ còn ghi lại rất rõ thông tin về ông: Trần Văn Sơn sinh ngày mồng 3 tháng 3 năm 1965, ngụ tại căn nhà nhỏ số 459/18/2 Trương Công Định, phường 7, thành phố Vũng Tàu, đã từng mắc phải căn bệnh ung thư phổi quái ác từ năm 2008.
Suốt mười bốn năm trời ròng rã, ông chỉ sống và thở nhờ một cái lá phổi duy nhất, bởi vì căn bệnh đã cướp đi lá phổi kia của ông. Giữa cái môi trường ô nhiễm như hiện nay, người bình thường thở bằng hai lá còn thấy uể oải, nữa là ông Sơn còn có một lá phổi, chả thế mà trong cơn đại dịch Covid như bây giờ, Huyền chẳng dám cho ông mở cửa ra khỏi nhà.

Tưởng rằng sau lần phẫu thuật cắt lá phổi đó là xong xuôi, ai ngờ đâu mười năm sau, tức năm 2018, ông Sơn lại bị di căn thành ung thư thanh quản, xạ trị 35 tia trong 7 tuần không ăn thua, đành phẫu thuật cắt thanh quản, mất luôn cả giọng nói ấm áp quen thuộc, mỗi lần muốn nói phải dùng đến máy hỗ trợ. Đâu đã được yên, một thời gian sau tái khám ở viện, người ta phát hiện một khối u khác đã mọc lên, cần điều trị gấp, tuy nhiên, đây là một khối u rất khó xử lý.

Nỗi đau về thể xác lại chất thêm nỗi đau tinh thần, khi vợ ông ra đi đột ngột đúng vào thời gian đó, ông Sơn có nhiều lúc nghĩ buông xuôi số phận, mất hết ý chí cố gắng vượt qua bệnh tật để đi luôn theo người vợ yêu dấu của mình.
Chẳng cầm lòng nhìn cha mình ngày một tiều tụy, thất thần và buông xuôi như vậy, Huyền- cô con gái “rượu” xinh đẹp và rất hiếu thảo của ông, luôn đau đáu mong cứu được cha, mặc dù đi tới bệnh viện nào người ta cũng bó tay trả về không thể làm gì được nữa. Mỗi một cái lắc đầu của bác sỹ, là một lần Huyền thắt ruột thắt gan, ứa những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má ngày càng nhô lên vì sụt cân. Huyền sinh năm 1993, còn trẻ nhưng đã mở được một tiệm nail nhỏ nằm trong một con hẻm cũng nhỏ không kém, hàng ngày vẫn vừa lo toan cả việc cửa hàng lẫn lo chạy chữa cho cha. Cô con gái bé nhỏ nhưng cũng là bờ vai duy nhất còn lại để ông Sơn nương nhờ vào lúc này.
Thế rồi cũng có một tia hy vọng lóe lên, bác sỹ ngày trước đã xạ trị cho ông Sơn giới thiệu cho Huyền một vị bác sỹ rất giỏi tên là Lý Xuân Quang, hiện đang là trưởng khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện Đại học Y Dược.
-Nếu ông ấy nói mổ được thì sẽ được, còn không thì đành chấp nhận số phận vậy. – vị bác sỹ vừa nói vừa đặt bàn tay lên đôi vai nặng trĩu nỗi buồn của Huyền vỗ nhẹ an ủi.

Huyền tức tốc tới tìm bác sỹ Quang để trình bày về tình trạng của ba mình cũng như cho ông xem hồ sơ bệnh án. Trong căn phòng khám của bác sỹ Quang lúc này, mọi thứ dường như im bặt và vô cùng căng thẳng. Bác sỹ Quang lật từng trang bệnh án, lại nhíu mày tỏ ý quan ngại hết sức. Huyền chỉ biết lặng thinh, khuôn mặt lộ rõ vẻ lo lắng. Huyền không nhìn bác sỹ mà chỉ cúi mặt xuống với ánh mắt vô định và chờ đợi một sự phản hồi.

– Vẫn còn kịp, tôi mổ được, đem ổng lên bệnh viện sớm gặp tôi để hội chuẩn và tiến hành mổ gấp vì khối u mới mọc lên lại còn ít chưa ăn ra các tứ chi – Bác sỹ Quang nói và dặn dò Huyền một vài điều cần thiết.

Vừa mừng vừa lo, Huyền rối rít cảm ơn rồi chào bác sỹ, sau đó lập tức về nhà làm tư tưởng cho ông Sơn. Huyền tuy đầy lo lắng, căng thẳng nhưng trong lòng vẫn ào lên một niềm hy vọng lớn lao. Có lẽ mẹ mới mất đã làm cô suy sụp nhiều rồi, giờ nếu mất cả cha nữa, cô phải làm thế nào để sống tiếp đây. Không thể để điều đó xảy ra được.

Bước vào phòng ngủ của ba, cô thấy ông Sơn đang nằm dài trên chiếc giường gỗ có trải một cái chiếu cói mỏng phía trên, ông kê đầu lên gối nằm ngoặt đầu sang một bên, mắt đã nhắm tịt vì quá mệt và kiệt sức. Huyền tiến lại gần lay lay vai ông, ghé vào sát tai thì thầm gọi với cái giọng vừa nhỏ nhẹ vừa khẩn thiết:
-Ba, ba, bác sỹ Quang bảo mổ được. Mai hai ba con mình tới viện luôn nhé.
-Thôi! Để tao đi theo mẹ mày cho xong, tao cũng chả thiết sống nữa để làm gì. Khổ quá rồi. Đau lắm rồi. – Ông Sơn thều thào nói với giọng buông xuôi.
Huyền tiếp tục kiên trì diễn giải cho ông hiểu mọi trường hợp có thể xảy ra, và không quên nhấn mạnh khả năng thành công của ca mổ tới đây. Ông Sơn biết thừa khả năng thành công chẳng có mấy, niềm hy vọng thành công mong manh đó không thể nào thắng nổi sự đau đớn khủng khiếp đang hành trên thân thể ông và nỗi đau mất vợ chưa thể nào nguôi được, đau đến nỗi ông chỉ muốn chết quách đi cho xong chứ còn sống mà làm gì. Nhưng cô con gái cứ rỉ rả thuyết phục ông cả ngày, xem chừng không mổ ông cũng không yên được, cuối cùng ông cũng đồng ý.
Hai ngày sau, hai cha con có mặt tại bệnh viện chỗ bác sỹ Quang để tiến hành phẫu thuật. Thật không may, mười mấy ngày sau mổ, ông Sơn bị vỡ mạch máu – một trong những trường hợp đã được dự đoán trước có thể xảy ra, tưởng lần này là thôi xác định bỏ mạng rồi, vậy mà không hiểu làm sao ông Sơn vẫn sống, nhưng giờ chỉ ăn được bằng ống qua lỗ mũi chứ không thể ăn bằng đường miệng, vì không có đường để thức ăn xuống được dạ dày. Thời gian sau đó, người ta lại mổ tiếp cho ông Sơn thêm mấy lần nữa mà vẫn chẳng ăn thua.
Về phần con gái ông, Huyền vẫn tiếp tục tìm mọi phương cách để cứu ba, y khoa không ăn thua, vậy là cô chuyển hướng sang tâm linh. Bạn bè của cô nhiều người là Phật tử tu học nhiều năm, họ tư vấn và dẫn dắt cô từng bước tìm hiểu Phật Pháp, rồi dần dần cô đọc thêm kinh sách và tham khảo nhiều vị thiện tri thức, cô nhận ra rằng căn bệnh của ba cô là do nghiệp chướng và do các oan gia trái chủ báo thù mà thành bệnh trên thân. Vậy là cô quyết định lên bảo tháp thờ xá lợi Phật tại Thích Ca Phật Đài, nơi đạo tràng Bảo Tháp mà cô mới xin tham gia, cùng mọi người tu tập để cầu siêu cho mẹ được siêu thoát và hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ của ba, một công đôi việc luôn thể.

Huyền hồi hướng công đức cho ba

Hiểu được nguyên nhân thật sự của bệnh tật, Huyền cũng khuyên ông Sơn tin sâu nhân quả, chịu khó tu tập để có thể hóa giải được bệnh tật nhanh hơn, bởi vì trong kinh Địa Tạng có dạy rằng người thân làm công đức hồi hướng cho thì người nhận cũng chỉ nhận được một phần bẩy, còn lại sáu phần là của người tu tập chính. Vậy thì bản thân người bệnh nên tự mình tu tập mới là tốt nhất. Ông Sơn thì lại chẳng tin. Ông luôn cho rằng mình bị vậy là do cái thói quen hút thuốc khó bỏ chứ chả phải “oan gia oan nghiệt” nào ở đây cả.
Một lần nữa, niềm hy vọng của Huyền cứ vừa mới kịp lóe lên thì đã lại bị vùi tắt. Cha cô thực ra vô cùng bảo thủ, đã không ít lần Huyền cố gắng lựa lời giảng giải nhưng chẳng lay động được điều gì trong cái suy nghĩ cố chấp của ba. Quan điểm của ông cũng vững vàng như cái tên của ông vậy. Nghĩ đến cảnh người ba yêu dấu của mình đang quá cận kề với cái chết, đến cảnh cô sẽ bơ vơ một mình không còn được hưởng tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ, Huyền chỉ còn biết bất lực ngồi khóc. Mỗi lần không kìm nén được cảm xúc như vậy, Huyền thường ngồi xụp xuống, nép mình vào phía góc phòng, rồi nấc nghẹn lên từng tiếng vì nghĩ thương ba và thương cả bản thân mình. Tiếng khóc nấc dồn dập của sự bất lực và tuyệt vọng.
Tìm được cách cứu ba, mà ba lại chẳng chịu làm, cô đành phải tiếp tục một mình tu tập mong vớt vát được một phần công đức hồi hướng cho ba, tuy ít nhưng còn hơn là không làm gì. Huyền cứ đều đều mỗi sáng là cô lên bàn thờ lạy Phật, thành khẩn phát mười điều nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát. Rồi tranh thủ thời gian lúc vắng khách thì Huyền tụng kinh Địa Tạng khoảng ba, bốn mươi phút. Một mực kiên trì tu tập ngày này qua tháng khác như thế, Huyền chỉ xin cầu hai điều: “Con xin hồi hướng công đức này, cầu mong các oan gia trái chủ đang hành bệnh trên thân ba con được siêu thoát an lành, và mong chư Phật Bồ Tát từ bi gia hộ cho ba sớm tin hiểu Phật Pháp mà tu tập. ”
Gần nửa năm trôi qua, những nỗ lực không ngừng nghỉ của Huyền cuối cùng cũng đến ngày có kết quả, nó đến bằng một nhân duyên ít ngờ đến.
Bệnh tình của ông Sơn thì cứ dây dưa, tái đi tái lại, phải đưa lên bệnh viện mổ hết lần này đến lần khác. Đến lần thứ năm, kết thúc ca mổ tưởng rằng mọi thứ đã ổn định, nhưng ai ngờ chỉ sau ba ngày, chỗ mổ vẫn bị dò không thể nào ăn được. Khi người ta lấy mũi tiêm chích vào lỗ dò, thì ôi thôi tất cả những gì ông đã ăn vào đều bị xì ra hết.

Ông Sơn trong phòng hồi sức

Lần này bác sỹ Quang nhìn ông Sơn đang nằm trên giường bệnh quằn quại đau đớn, với đủ các loại dây dợ, ống dài ngắn khác nhau chằng chịt trên thân, bác sỹ lắc đầu, chắc ông cũng đã ngao ngán lắm rồi:
-Tôi đã mổ đến lần này là lần thứ năm rồi mà vẫn không giải quyết được, ông về ăn chay niệm Phật đi chứ nghiệp của ông nặng quá – bác sỹ Quang nói rồi quay sang nhìn Huyền, lại quay sang nhìn ông Sơn lần nữa – Chỉ có con gái ông đi cùng ông trên quãng đường này, chứ chẳng còn ai đi cùng ông nữa đâu.
Lời nói của bác sỹ Quang làm ông Sơn không khỏi chấn động, bởi vì từ trước đến giờ, mỗi lần con gái khuyên ông nương theo Phật Pháp tu hành, ông Sơn đều gạt bỏ, cho đó là chuyện không đâu. Nhưng lần này lại do chính bác sỹ Quang nói ra – một người theo quan niệm của ông thì hết sức “khoa học và duy vật”, nên ông không khỏi bất ngờ và suy nghĩ lại. Lẽ thường hay thế, người nhà nói trăm câu không lọt tai, nhưng người ngoài nói một câu thì lại vô ngay đầu.
Mà thực ra cũng chẳng phải ngẫu nhiên, trần đời này vốn dĩ chẳng có gì đến mà không có lý do, hết thảy đều do luật Nhân quả an bài theo những cách thức bí ẩn mà mắt thường không thấy được. Chính nhờ công đức của Huyền hồi hướng suốt nửa năm ròng, nên nhân quả đã sắp xếp an bài: vào giây phút ấy ông Sơn sẽ được nghe câu nói ấy từ bác sỹ. Và rồi sau đó, mọi diễn tiến tiếp theo từng bước, từng bước một, đều xảy ra theo đúng như những gì Huyền đã khấn hồi hướng hàng ngày. Đó là một quyền năng vi diệu khi con người ta hiểu và vận dụng được luật nhân quả vào cuộc sống.
Từ viện trở về nhà, Huyền đỡ ông Sơn vào giường nằm nghỉ, vừa đặt lưng xuống, ông Sơn gặng hỏi:
-Cuối tuần mày lên Tháp hả?
-Vâng – nghĩ ngợi vài giây, Huyền nói tiếp với một tia hy vọng – Con mời mọi người về sám hối cầu siêu oan gia cho ba nhé?
-Ừ! – ông Sơn đáp gọn rồi đi nghỉ luôn. Một tiếng “Ừ” đơn giản, nhưng đằng sau nó là một cuộc đấu tranh tư tưởng ghê gớm của ông, giữa một bên là quan niệm duy vật cố hữu bao năm của một người đàn ông từng trải, chẳng tin thần thánh tâm linh gì cả, với một bên là sức thuyết phục không mệt mỏi của con gái, giờ lại thêm cả ông bác sỹ nữa. Cuối cùng thì cái tính bảo thủ của ông cũng đã phải giương cờ trắng đầu hàng, dù nó không được thoải mái cho lắm.
Mừng rơi nước mắt, Huyền mời đạo tràng khoảng bảy, tám người cùng tới nhà cầu siêu oan gia cho ông Sơn hai buổi, rồi ông còn được mọi người hướng dẫn trì chú Diệt Định Nghiệp Chân Ngôn- một thần chú có khả năng tiêu trừ nghiệp cực kỳ mạnh mẽ của đạo Phật. Trước cung cách bài bản và sự nhiệt tình của mọi người, ông Sơn đã chịu lắng nghe, lắng nghe một cách thành khẩn chứ không phải kiểu nghe chiếu lệ. Và nghe rồi thì ông thực hành rất nghiêm túc, ngày nào ông cũng trì chú Diệt Định Nghiệp được khoảng mười lăm phút, và hai cha con vẫn duy trì cầu siêu oan gia khoảng mười mấy lần nữa.
Nhiệm màu thay, sau một tháng trì chú như vậy, cùng với kết quả của việc cầu siêu oan gia và công đức hồi hướng của Huyền cho ba gần nửa năm trời, thì bệnh tình của ông Sơn đã khỏi hẳn, giờ ông đã ăn uống được một cách bình thường. Thật không thể tưởng tượng được, trước đó, bác sỹ chuyên khoa giỏi nhất cũng đã phải bó tay trả về kia mà. Hai cha con đón nhận kết quả mà muốn vỡ òa trong hạnh phúc, chặng đường gian khổ đã qua rồi, cuối cùng thì ông Sơn đã bình phục thật rồi.
Bệnh tình đã ổn định, giờ đây ông Sơn rất tinh tấn. Vì giọng nói có vấn đề nên ông không thể tụng kinh một cách thoải mái được, cảm thấy day dứt trong lòng, ông quyết định chuyển sang chép kinh. Và chẳng ai ngờ được ông Sơn lại chép kinh một cách nghiêm túc, miệt mài và tâm huyết như vậy. Ông ngồi cả ngày từ sáng tới tối, chỉ nghỉ một lúc buổi trưa để ăn cơm. Giờ đi làm của dân văn phòng thế nào, thì giờ chép kinh của ông cũng hệt như thế. À mà không, dân văn phòng thì còn được nghỉ chủ nhật, còn ông thì không có ngày nào tên là ngày nghỉ cả, thậm chí nhiều ngày cao hứng, ông chép liền tù tì một mạch đến mười mấy tiếng.
Tất cả những bộ kinh đại thừa phổ biến ông đều chép hết cả, mà còn chép đi chép lại rất nhiều lần, số kinh ông đã chép chất lên chắc phải cao hơn đầu người, điểm qua có kinh Hoa Nghiêm, kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Kim Quang Minh, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Địa Tạng, Lương Hoàng Bảo Sám, Từ Bi Thủy Sám … toàn là những quyển kinh rất dày, ngay cả đọc cho hết thì cũng đã là một việc không phải Phật tử nào cũng có thể làm được. Cả ngày ông Sơn chỉ quan tâm tới việc chép kinh, ngoài ra thì tự nấu chay để ăn, cũng không nhờ người khác phải phục vụ mình. Nếu có ai tới chơi hỏi thăm, thì ông cũng chỉ tiếp đón qua loa một lúc rồi xin phép đi nghỉ, thực ra cũng là để còn tập trung chép kinh thôi.
Kì lạ thay, sức khỏe ông Sơn ngày càng tiến triển một cách rõ rệt, thậm chí sắc mặt còn vô cùng hồng hào và khỏe mạnh, ông cũng đã ăn uống được bình thường, không còn phải ăn bằng đường ống từ lâu, đi tái khám thì mọi thứ đều đã hoàn toàn bình thường. Nếu như không nói, có khi chẳng ai biết ông từng bị bệnh nặng như vậy. Chẳng những sức khỏe cải thiện mà nhờ việc chép kinh nên tư tưởng ông được thấm nhuần triết lý Phật Đà, trí tuệ của ông Sơn cũng thăng tiến lên một nấc thang mới. Khi đại dịch đến, nếu người người nhà nhà đều hoang mang hoảng sợ trước tử thần, thì ông Sơn lại vô cùng điềm tĩnh.
– Chết do Covid là cái chết nhẹ nhàng nhất. Thở không được cái là đi luôn, chứ đâu cần phải đau đớn vật vã ngày này qua tháng khác. Thế là nhẹ nhàng lắm rồi. Đây có thể cũng là lúc sẵn dịp để chúng ta trở về với ngôi nhà thực sự của mình.- Ông Sơn nói với ánh mắt chiêm nghiệm suy tư, làm Huyền cũng chả hiểu ông đang nói gì.
Ông nhìn thấu được bí mật của kiếp nhân sinh, nó chẳng có ý nghĩa gì đáng giá ngoài việc hành hạ con người ta từ cái khổ này sang cái khổ khác mà thôi. Vậy có gì mà phải ham? Giờ thì ông chỉ muốn một lòng tu tập mong sau này được siêu thoát về cảnh giới an lành tốt đẹp. Từ một người chẳng tin tưởng Phật Pháp mà chỉ sau một thời gian ngắn như vậy, ông Sơn thay đổi tư duy và quan điểm sống một trăm tám mươi độ, làm tất cả mọi người ai nấy đều kinh ngạc. Sự siêng năng tu học của ông nay đã vượt xa nhiều người.
-So với ba, giờ sự tinh tấn của con không bằng cái móng tay của ba luôn đó.- Huyền nói với ông Sơn mà vừa thấy mừng cho ba, vừa thấy xấu hổ cho bản thân.
Ông Sơn không những tu tập chép kinh hồi hướng cho mình, còn hồi hướng cho cả gia đình con trai và cả vợ chồng Huyền. Nhờ công đức đó, mà con trai ông từ một người ngang bướng, tham lam, sân hận giờ bỗng trở nên hiền lành, có hiếu và biết đủ không còn tham nữa. Thậm chí anh còn mua quà tặng ba, một việc từ bé chưa bao giờ anh làm được. Công ty thưởng tết, anh cũng đem số tiền đó cho cô em gái, làm Huyền bất ngờ không thể tin nổi vào điều đang xảy ra trước mắt.
Bệnh viện trả về, nhưng Phật Pháp đã cứu sống cái mạng của ông Sơn để cho ông tu tập, giữ lại cho Huyền người cha để nương tựa chở che. Ngày nào cũng vậy, nhìn thấy cha mình đang chăm chỉ chép kinh, lòng cô lại mỉm cười an nhiên hạnh phúc. Nắng, gió, và thi thoảng là tiếng hót của những chú chim sẻ vẫn cứ tiếp tục ghé vào ô cửa sổ hỏi thăm ông, nhưng ông vẫn chẳng đoái hoài đến chúng, ông còn bận với sứ mệnh thiêng liêng của ông: chép kinh Phật.
(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Trần Thị Thanh Huyền)

4.3 3 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận