(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Phước Hoa)
Vi vu qua những con phố tấp nập của Hà Nội, không khó khăn gì để nhận thấy những ngôi nhà nho nhỏ xíu xiu, nằm san sát nhau, chạy dài dọc hai bên đường. Đó là đặc trưng của Hà Nội và cũng là của nhiều thành phố lớn khác trên đất nước này. Ai ai cũng biết, sống ở nơi đất chật người đông, tấc đất tấc vàng như trong trung tâm thành phố, để kiếm được căn nhà vừa rộng vừa ít tiền là điều khó như lên mây.
Gia đình Phước Hoa cả thảy có bốn người, suốt bao năm qua, cả nhà vẫn sống trong căn nhà chật hẹp vỏn vẹn có bảy mét vuông tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa. Có tin được không? Bạn không nghe nhầm đâu, đúng là bảy mét vuông. Nói không phải đùa, chứ nếu nhìn từ trên cao nhìn xuống, căn nhà trông chả khác nào cái tổ chim cả. Ấy vậy mà họ đã sống ở đó cả chục năm nay.
Nó vốn là của mẹ Hoa, giờ Hoa đã có chồng có con, thêm người thêm thành viên, nên mọi thứ dần trở nên bất tiện quá mức. Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi, không thể bám víu mãi ở đây, cần tìm một căn hộ chung cư để ở, tuy không được ở nhà đất nữa, nhưng một căn chung cư sẽ giải quyết được vấn đề diện tích và cả tài chính của gia đình. Mà muốn có tiền mua chung cư thì Hoa cũng phải bán căn nhà này đi mới chuyển đổi được.
Để bán căn nhà này không dễ chút nào, ban đầu Hoa cũng nghĩ diện tích quá nhỏ chính là lý do khiến cô bán mãi không được, nhưng dần dà Hoa phát hiện ra nó không đơn giản như vậy. Thật sự còn có điều bí ẩn đằng sau mà ít ai nghĩ tới.
Hai năm trời ròng rã giao bán nhà đủ kiểu, Hoa đăng cả lên báo và nhờ bên môi giới làm cầu nối cho dễ tìm khách. Thông tin căn nhà được đăng trên các kênh giao bán, người đến xem tận nơi cũng không phải không có, bởi vì tuy diện tích nhỏ hẹp, nhưng vẫn sẽ có những khách hàng có nhu cầu phù hợp. Khách đến xem, người thì khen, kẻ thì chê, có những khách đã ưng ý hứa hẹn đặt cọc, nhưng quái lạ thay, cứ đến phút chót thì họ lại đi đâu mất hoặc có đủ lý do để hủy bỏ.
Một buổi nọ, có khách qua xem nhà, thấy phù hợp nên hẹn sáng hôm sau tới cọc liền, bốn người nhà Hoa khấp khởi vui mừng vì sắp bán được căn nhà chật hẹp và mường tượng tới một không gian sống rộng rãi thoải mái hơn, tha hồ sinh hoạt mà không phải quay đâu cũng chỉ thấy toàn tường là tường như thế này.
Sáng hôm đó, gia đình dậy sớm, đun nước, pha trà chờ người ta đến cọc tiền như đã hẹn, bất ngờ có cuộc điện thoại gọi tới, đầu dây bên kia nói với giọng gấp gáp:
– Em à, chị không mua nhà của em nữa, xin lỗi em. Con trai chị vừa bị tai nạn. Chị phải lo cho cháu đã. Thôi thế nhé, chào em.
Điện thoại ngắt phụp, Hoa chưa kịp định hình được điều gì và cũng chưa kịp nói lời nào. Vậy là thôi, cái mơ mộng về một nơi ở mới vẫn còn lơ lửng chưa thể thực hiện được.
Lại một lần nữa, giữa tháng tư oi bức, có khách tới xem nhà tỏ vẻ ưng ý lắm, muốn gia đình Hoa phải bàn giao nhà trước dịp lễ 30/4, nghĩa là trong chưa đầy hai tuần. Mặc dù chưa có nơi ở mới để chuyển tới, nhưng thấy có người mua là gia đình Hoa hạnh phúc lắm rồi, chuyển đi đâu thì tính sau, giờ cứ lo bán được nhà cái đã. Nghĩ vậy, mừng thầm, Hoa đồng ý giao nhà sớm. Cuối cùng, cũng không hiểu vì sao đến lúc đặt cọc thì họ lại chốt một câu không mua nữa. Kỳ lạ thật.
Thời gian trôi qua, cứ hết khách này đến khách kia tới xem, rồi cũng tới tháng cuối năm cận Tết mà nhà thì vẫn chưa bán được. Khách đến xem thì có, thậm chí còn nói chắc như đinh đóng cột rằng căn nhà này coi như thuộc về họ rồi. Ấy vậy mà ai ngờ đâu, đùng một cái đến lúc đặt cọc tiền, họ lại chạy mất hút.
Thở dài trong ngao ngán, Hoa không biết tới bao giờ mới kết thúc cái cảnh người đến lại đi, đến lại đi như thế này. Hay là, có một lý do nào khác mà mắt thường không nhìn ra ?
Nhớ lại ngày trước, một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, đang ngồi ngẩn ngơ xuýt xoa nhấp từng ngụm nước ấm nóng, bỗng có cái bóng trắng nào đó vụt qua trước mắt Hoa rồi bay lên trên gác, dù lướt rất nhanh nhưng đủ để Hoa nhận biết đó là một cô gái tóc dài. Nhưng không phải là người, mà là đó là một vong hồn. Tim đập chân run trước cảnh tượng vừa thấy, nhưng Hoa tin chắc mình không có hoa mắt, cái bóng trắng rõ ràng đó không phải do hoa mắt tưởng tượng ra, và đây cũng không phải lần đầu tiên vong nữ đó xuất hiện.
Mẹ Hoa trước từng kể rằng có một lần bà nhìn thấy một vong hồn của cô gái nào đó ở trong nhà. Bà thi thoảng còn có thể nghe thấy tiếng của các vong linh xung quanh, nhưng nhìn thì chỉ có một lần duy nhất đó thôi. Có lẽ nhờ nhân duyên gì đó đặc biệt, mà mẹ con Hoa nhìn được như vậy.
Ngẫm lại điều này, rồi xâu chuỗi với những sự việc xảy ra, linh tính mách bảo Hoa chính vong linh ấy làm cho gia đình không thể bán nổi căn nhà của mình. Các vong linh thường có tha tâm thông, biết được suy nghĩ của con người, có thể phần nào tác động vào tâm ý con người. Khi những người khách đến xem nhà, ban đầu thấy thích muốn mua, nhưng sau đã bị vong nữ tác động vào tâm ý để không muốn mua nữa hoặc gây ra những sự cản trở khiến việc mua bán không thành công. Cuộc sống của cõi người vốn vẫn luôn có sự ảnh hưởng từ các cõi vô hình khác tác động vào, nhưng chúng ta không thấy nên tưởng rằng không có.
Qua năm 2020, dịch bệnh Covid hoành hành, bán nhà đã khó, nay thêm dịch bệnh làm kinh tế giảm sút, việc bán nhà càng trở nên khó khăn hơn. Nhà nhà người người lo chống dịch, ra đường còn khó, nói chi đến việc đi mua nhà. Gia đình Hoa lại ngồi nhìn nhau chán ngán trong bốn bức tường vây quanh.
Có chút duyên lành với Phật Pháp, thời gian này Hoa cũng đang tìm hiểu và tập hành trì theo Phật Pháp, mỗi sáng sớm Hoa trì bảy biến chú Đại Bi, tuy ít ỏi nhưng cũng là sự khởi đầu trên một con đường mới. Tính đến tháng 8/2021 là tròn hai năm, mới chỉ là khởi đầu và quãng thời gian tu tập còn ngắn ngủi, nhưng Hoa cũng đã có chút hiểu biết cơ bản cần thiết.
Vào một ngày gần cuối năm 2020, tình cờ đang dạo chơi trên facebook, Hoa đọc được một câu chuyện trích trong sách “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” kể về một phụ nữ đời Thanh, bị một vong nữ oan gia đeo theo báo thù. Sau đó cô ta đã niệm 10.000 câu “Nam Mô A Di Đà Phật” hồi hướng cho vong nữ đó, khi vừa niệm đủ số là vong nữ liền siêu thoát. Hiểu được sự vi diệu của câu niệm Phật như vậy, Hoa quyết định sẽ thực hành theo.
Ngay tối hôm đó Hoa bắt đầu niệm Phật, và sẽ niệm ít nhất cho đến khi đủ 10,000 câu Phật hiệu để hồi hướng cho vong nữ trong nhà mình được siêu thoát về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà và mong vong linh nếu có thể thì hỗ trợ cho Hoa bán được nhà.
Thực ra con số 10,000 chỉ là một con số tương đối, nó đúng với câu chuyện đó, chứ không chắc đúng mọi trường hợp. Vậy niệm bao nhiêu là đủ? Điều đó tùy vào sự thành tâm, định lực, giới hạnh của người tu, cũng như nghiệp chướng của người được hồi hướng nặng nhẹ tới đâu, và còn phụ thuộc vào duyên giữa người hồi hướng và người được hồi hướng. Thế nên có khi 10.000 là đủ, có khi phải 30.000, 50.000,… hay nhiều hơn nữa mới có kết quả.
Ngoài ra, không chỉ có việc niệm Phật là có công đức, mà còn rất nhiều việc khác như trì chú, tụng kinh, vẽ tranh tạc tượng Phật, giúp người, cứu vật, phóng sinh … và nhiều cách khác nữa. Chúng ta đều có thể đem những công đức đó hồi hướng cho những việc cần thiết để giúp mình cũng như giúp người bớt khổ.
Vậy là ngày ngày tranh thủ khi rảnh rỗi Hoa niệm hơn 300 câu Phật hiệu, chừng hơn một tháng thì đủ 10,000 câu. Sau đó Hoa vẫn cứ tiếp tục niệm nhiều hơn nữa để hồi hướng cho vong linh. Không chỉ mình Hoa, mẹ Hoa thấy vậy cũng tinh tấn niệm hơn 1000 câu Phật hiệu mỗi ngày. Cứ như vậy hơn một tháng, hai mẹ con chắp tay niệm Phật thành tâm cung kính mong mọi sự sẽ tốt lành êm đẹp nhờ sự gia hộ của chư Phật.
Ra tết, nhà Hoa lại có khách đến xem, dạo qua một vòng, họ chê lên chê xuống đủ thứ. “Điệu này chẳng hy vọng gì rồi” – cô nghĩ thầm, cái giấc mơ đổi nhà sao nó gian nan quá vậy.
– Em cho anh số tài khoản ngân hàng, anh đặt cọc luôn 20 triệu nhé. – Anh khách xem nhà đột ngột hỏi.
Hả? Cái gì vậy, anh ta vừa nói gì, Hoa có nghe nhầm không?
– Anh cọc trước, hai hôm nữa sẽ chồng đủ tiền nhà cho em. – Anh khách nói tiếp.
Anh ta đang hỏi số tài khoản ngân hàng. Sau vài phút, tiếng ting ting phát ra từ chiếc điện thoại, tiền đã vào, Hoa thở phào nhẹ nhõm, lần này thì chắc rồi. Mọi thứ diễn ra chóng vánh đến mức cô ngỡ như mình đang trong một giấc mơ. Ngay sau đó ba ngày, gia đình khăn gói chuyển đi để giao nhà cho khách.
Lúc này, Hoa đoán biết vong nữ kia đã nhận được công đức, được tiêu trừ nghiệp chướng, siêu thoát và không còn gây cản trở việc bán nhà. Từ khi niệm Phật hồi hướng cho vong nữ đến lúc bán được căn nhà chỉ trong khoảng hai tháng, chả bù cho suốt hai năm rõng rã trôi qua vẫn không bán thành công. Trong lòng Hoa vừa vui mừng vì bán được nhà, vừa cảm thấy an lòng hơn vì vong linh ấy đã phần nào bớt đau khổ.
Ở cảnh giới vô hình, nhiều chúng vong linh do nghiệp quả nên còn trầm luân vất vưởng không thể nào siêu thoát. Họ phải chịu sự đói khát, lạnh lẽo, cô đơn và sự dày vò bức bách của tâm can, chưa kể tới vô vàn cái khổ khác. Chúng ta ở cõi người, tuy rằng có những sự khổ đeo bám, nhưng so với chúng vong linh vẫn còn sung sướng hơn. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, nếu như có thể, hãy mở lòng từ bi tạo các công đức hồi hướng cho họ được tiêu trừ chướng nghiệp, siêu thoát lên cảnh giới an lành. Người đời hay có câu “âm siêu dương thới”, bốn chữ này trong nhiều trường hợp cũng có phần hợp lý không sai.
Phật Pháp vi diệu, dùng trí phàm phu thật sự không thể so lường được, bản thân trường hợp của Phước Hoa và của rất nhiều người khác chính là bằng chứng thực tế hùng hồn không thể phủ nhận. Nếu như ai còn nghi ngờ, thì hãy thử đặt câu hỏi “Tại sao từ ngàn xưa đến nay, vẫn có rất nhiều người ở khắp mọi nơi áp dụng lời Phật dạy mà đạt được kết quả tốt đẹp như vậy?” Từ cổ chí kim, từ thời cổ xưa đến thời hiện đại, từ châu Á sang châu Mỹ, không hiếm những câu chuyện thực tế đã được kể lại.
Đức Phật vì lòng từ bi vô hạn, thương tưởng chúng sinh đang trầm luân đau khổ mà thị hiện ở đời, đem ánh sáng chân lý tới soi đường cho chúng sinh. Các Ngài có rất nhiều pháp môn, tùy căn cơ mỗi người mà ban phát, cũng như tùy bệnh mỗi người mà cho thuốc. Thấy chúng sinh khổ đau phiền não, Phật chỉ cho pháp để được an vui, rốt ráo hơn nữa là mong chúng sinh được giải thoát, chấm dứt tận gốc mọi đau khổ trong cối xay sinh tử luân hồi.
(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Phước Hoa)