NHẬT KÍ CẦU SIÊU

4
3144

THẾ GIỚI VÔ HÌNH THỰC SỰ NHƯ THẾ NÀO ?

Có bao giờ bạn thắc mắc về cõi âm? Khi chúng ta chết sẽ như thế nào, đi về đâu ? Không biết liệu các vong linh bên kia thế giới có xài tiền giấy, đi xe hơi vàng mã, có ăn uống như chúng ta?
Với tôi thì từ hồi mới lớn, bắt đầu biết suy nghĩ, tôi đã luôn thắc mắc điều đó. Tôi vốn rất sợ ma, xếp vào dạng nhát cáy có hạng, nhưng kì lạ lắm, càng sợ thì lại càng tò mò muốn khám phá.
Khi tìm hiểu thì mỗi người nói một kiểu, người thì bảo không có ma, chết là hết. Người thì tả ma như một dạng “ngáo ộp” hết sức đáng sợ, gặp thì lo mà chạy, nhà có ma thì phải lo kiếm thầy trừ tà, chứ không thì…kinh lắm. Các thông tin rất mâu thuẫn nhau và rối ren, vô trật tự khiến tôi thấy rối cả não, xem chừng thắc mắc này giống như không hồi kết vậy.
Rốt cuộc, sau vài năm tìm hiểu, phải đến khi tôi có duyên được học hỏi & thực hành Phật Pháp, cuối cùng tôi mới có được câu trả lời chân chính.
Tôi tên Mai, sống tại Vũng Tàu, xong mọi người biết đến tôi nhiều hơn với tên Diệu Ngọc, là pháp danh và cũng là tên nick facebook. Tôi là một thành viên của đạo tràng do anh Quang Tử thành lập, đúng ra tôi phải gọi anh ấy là sư phụ, vì tôi học Phật Pháp từ anh, xong anh ấy không câu nệ danh xưng, bảo bọn tôi cứ gọi như bình thường cho thoải mái.
Gọi “anh” thôi thì lại thấy … thường quá. Thế nên tôi và đám huynh đệ đồng môn, sau khi thảo luận chán chê, quyết định đổi từ “sư phụ” thành “đại ca” – nghe rất “bụi đời” và chả có gì liên quan đến Đạo cả, xong “đại ca” cũng không ý kiến gì, miễn bọn chúng tôi thích là được. Thế là bọn tôi “chốt đơn”, gọi anh Quang Tử là đại ca, cho nó gần gũi, Phật Pháp vốn trọng thực chất, chứ không trọng danh xưng mà lại.
Tham gia các chương trình của đại ca một thời gian, nào là công quả quét dọn chùa tháp, cúng dường Tam Bảo, nào là học giáo lý, nào là ấn tống tặng kinh sách, rồi đến phóng sinh, hiến máu, rồi chép kinh, vẽ hình Phật … rất nhiều hoạt động, tôi cũng đã thấy rất hào hứng. Bỗng đến một ngày, đại ca đăng lên một kế hoạch mới : vào nghĩa trang cầu siêu.
Wow, vào tận nghĩa trang, người khác thì có thể bình thường, chứ với cái loại sợ ma chúa như tôi thì…tình hình hơi căng. Ây nhưng mà cũng thấy rất hấp dẫn, biết đâu lại gặp được “ma” thật thì sao, thỏa cơn tò mò bấy lâu, đằng nào cũng đông người, đại ca cũng ở đó, sợ gì. Thế nên tôi rất nhiệt tình đăng kí tham gia, rồi xắn tay áo chuẩn bị đồ cúng chu đáo.
Cầu siêu một lần, hai lần, rồi nhiều lần, nhiều năm chẳng nhớ được số lượng, gồm cả cầu siêu cho khắp hương- vong linh mười phương, cũng như cầu siêu oan gia trái chủ, cầu siêu thai nhi, ma chẳng gặp con nào, nhưng thế giới quan của tôi cũng theo đó thay đổi dần.
Đại ca cho bọn tôi đọc các bài viết, xem nhiều các video về thế giới tâm linh đã được chọn lọc, và cũng giải thích nhiều, nên bọn tôi ngày càng hiểu rõ hơn, định hình lại cách nghĩ về thế giới vong linh, ma quỷ. Và từ đó tôi không còn gọi họ là ma nữa.
Thực ra người đời và các tay chuyên kể chuyện ma cứ làm quá lên, cố diễn tả sao cho thật rùng rợn, kinh khủng dọa người ta, khiến cho từ “ma quỷ” trong tâm trí mọi người, thành ra một thứ gì đó rất rùng rợn, đáng sợ, chứ vốn họ – tôi đổi cách gọi là các ‘vong linh’, hay ‘hương linh’ nghe cho thêm phần tôn trọng, họ cũng từng là những con người như chúng ta, chết đi rồi, hết làm người rồi thì hóa sinh thành ma, thành quỷ, thành vong linh thôi.
Tâm lý, tình cảm, kí ức của họ cũng khá giống với khi còn sống. Họ thường lại rất đáng thương, chịu nhiều nỗi khổ vất vưởng, đói khát trong cõi vô hình, mãi không thoát ra được.
Trong lục đạo luân hồi thì họ thuộc cảnh giới ngạ quỷ (ma đói), những vong linh nào nghiệp nặng, sẽ có hình dáng kinh dị, cổ nhỏ bụng to, thức ăn đến miệng là biến thành lửa, hình phạt hiện ra tra tấn liên hồi như trong kinh Phật thường miêu tả. Những vong linh nghiệp nhẹ, thì hình dạng cũng bình thường như khi còn sống, không quá thê thảm như loại vừa kể trên. Nếu được người sống cúng thí thực cho, thì họ ăn được.
Có vong linh lực yếu, chẳng tác động được đến thế giới con người. Xong cũng có nhiều loại vong linh thần lực mạnh, hiện hình được, tác động đến con người được. Có vong linh sống đơn độc một mình, gọi là “cô hồn”. Lại có những vong linh quy tụ theo đoàn, dân gian hay gọi là “các đảng”. Có vong linh của con người, và cũng có vong linh của các loài súc sinh chim thú, cua cá .v.v…
Có vong linh sống tại một khu vực chuyên biệt trong Âm phủ, tháng 7 âm mới được cho lên dương gian một lần. Cũng có những vong linh du đãng, lẩn khuất ở dương gian mãi. Hình dạng, phước nghiệp, sướng khổ tuy thiên biến vạn hóa rất nhiều, xong vẫn xếp chung vào cảnh giới ngạ quỷ.
Con người chúng ta được ăn 3 bữa mỗi ngày, còn các vong linh cô hồn dã quỷ ngoài kia thường thì họ không nhà cửa, chết nhiều năm rồi, thân quyến của họ dần cũng đã quên lãng, hoặc cũng đã qua đời cả rồi, không ai cúng cho ăn, cái đói cồn cào dai dẳng trải năm này qua tháng khác.
Ai may thì có một chỗ trú thân, xui thì vất vưởng lạnh lẽo, lang thang chẳng biết đi đâu về đâu, chưa kể các hình phạt tra tấn, đánh đập vì nghiệp tạo ra lúc còn sống. Thời gian thì khá lâu, vài năm, vài chục năm là bình thường, thậm chí có nhiều vong phải trải qua hàng trăm năm, ngàn năm, triệu năm trong kiếp ngạ quỷ.
Họ chẳng biết bấu víu vào đâu cả. Nghiệp lực và tâm bám chấp chi phối, họ không thể tự thoát khỏi cảnh khổ đó, chỉ có thể mong ngóng hàng cốt nhục thân quyến, hay ai đó từ bi vì họ mà tu tạo phước lành hồi hướng công đức, cứu thoát cho họ. Nhưng cốt nhục thân quyến, có mấy ai hiểu được điều này đâu. Còn những đại lễ cầu siêu, không phải lúc nào cũng có, và không phải vong linh nào cũng đủ cơ duyên mà tham dự được.
Niềm khát khao của các vong linh trong thế giới Ngạ quỷ, không chỉ dừng lại ở việc được người sống cúng kiếng cho ăn, hay đốt vàng mã, vì ăn no được một bữa, thì vài hôm họ cũng sẽ đói trở lại. Có nhận được ít giấy tiền vàng mã, thì họ vẫn cứ chỉ là Ngạ quỷ, không hơn không kém, không giải quyết được những nỗi khổ của họ.
Mà cái cần nhất đối với các vong hồn đã khuất, là được thoát khỏi cảnh Ngạ quỷ khổ dài hạn ấy, tức là được siêu thoát. Vậy như thế nào gọi là siêu thoát ?
Nói dễ hiểu, siêu thoát là chỉ việc một vong hồn được thoát khỏi nỗi khổ của kiếp ngạ quỷ. Thấp nhất, thì vẫn là thuộc cảnh giới Ngạ quỷ, xong phước tăng thêm, thân tâm nhẹ nhõm, tự tại hơn, an lạc hơn, cuộc sống no đủ hơn, có chỗ trú ngụ, được cúng cơm thường xuyên, giảm bớt nhiều nỗi khổ sở.
Cao hơn, là được tái sinh lên một cảnh giới tốt hơn, như được đầu thai thành một kiếp người mới, cao hơn nữa thì được sinh lên các tầng trời. Đỉnh cao nhất của siêu thoát, là được sinh lên cõi Tây Phương Cực Lạc, không còn luân hồi lên xuống ở Trái Đất này nữa, mà sống thiên thu trường cửu tại một thế giới an lành, tuyệt mỹ của Phật A Di Đà, yên ổn ở đó tu dần dần cho đến khi thành Phật.
Nếu gặp cơ duyên được siêu độ, tức là được ai đó khai thị để buông bỏ bám chấp, lại được người ấy hồi hướng công đức như tụng kinh, trì chú, niệm Phật cho, các vong linh có thể được siêu thoát lên một cảnh giới tốt lành hơn như kể trên, đó chính là ý nghĩa của các Nghi thức siêu độ.
Càng tham gia nhiều buổi cầu siêu, tôi lại càng thấy việc thiện nguyện này ý nghĩa lớn lao vô cùng, nên lại càng nhiệt tình, và rủ thêm nhiều người khác cùng tham gia.
Trên lý thuyết đọc từ kinh Phật, xem các buổi nói chuyện của các nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng, Nguyễn Văn Nhã, thiền sư An Lạc Hạnh… tuy biết là khi cầu siêu, các vong linh sẽ được hưởng lợi ích rất lớn, xong thực ra chúng tôi không có ai khai mở mắt âm dương cả, nên cũng không biết trong vô hình diễn biến như thế nào.
Mỗi buổi cầu siêu đại ca và bọn tôi tổ chức, các vong linh sẽ ăn uống các đồ cúng ra sao ? Được khai thị liệu họ có buông bỏ các bám chấp không? Rồi được hồi hướng công đức trì chú, niệm Phật rồi sẽ như thế nào ? Ây rất nhiều câu hỏi mà tôi, cũng như cả nhóm đều rất tò mò muốn biết.
Nên một thời gian, tôi vẫn hi vọng mời được nhà ngoại cảm nào đó, khai mở được thiên nhãn tham gia buổi Cầu siêu cùng chúng tôi, để làm một cầu nối giao tiếp giữa chúng tôi với các vong linh, để biết được, cụ thể thì tâm nguyện của họ thế nào, và quan trọng là muốn biết uy lực của ‘Nghi thức cầu siêu’ nhóm chúng tôi vẫn dùng có thể khiến các vong linh siêu thoát nhiều đến đâu.
Nói thêm về Nghi thức cầu siêu của nhóm chúng tôi. Ban đầu thì đại ca cũng dùng Nghi thức Mông Sơn Thí Thực do thiền sư Bất Động thời Đường biên soạn. Xong sau một thời gian dài nghiên cứu, sưu khảo, biên soạn như thế nào đó, mà nhóm chúng tôi có một cuốn Nghi thức cầu siêu riêng, thường kéo dài khoảng 45 phút, không dài không ngắn.
Nghi thức bắt đầu với phần lễ kính Phật – Bồ Tát, các thần chú khai kinh kệ, thỉnh mời vong linh. Tiếp theo là cúng thí thức ăn, đồ uống, nương nhờ oai lực của chú Như Ý Bảo Luân Vương, chú Cam Lồ Thủy, và chú Biến Thực mà Đức Phật dạy trong kinh Diệm Khẩu, biến ra thật nhiều thức ăn trong vô hình, cho vong linh trước mắt không còn đói khát dày vò.
Tôi hiểu nôm na mục đích của việc này là “có thực mới vực được đạo”, vong linh no bụng rồi, không bị nỗi đói khát dày vò, tâm mới an ổn mà nghe tụng niệm siêu độ được.
Tiếp theo sẽ là phần Khai thị, nói dễ hiểu thì tức là giải thích cho các vong linh hiểu thông vấn đề, để giúp họ buông bỏ được các chấp niệm. Chấp niệm không chịu buông, thì dù họ có đủ phước sinh lên cõi tốt lành hơn, họ cũng không chịu đi.
Vậy nên tùy từng đối tượng mà phần khai thị sẽ thay đổi, với vong linh nói chung, hoặc các vong duyên âm, thì cần giải thích cho họ hiểu, đời là khổ, là vô thường, mọi thứ sẽ tan biến hết, ôm giữ ái luyến với mọi thứ trên dương gian, chỉ như sợi dây xích, cột chặt họ trong đau khổ, hiểu được điều đó, giúp họ không còn tham đắm nhân gian.
Với các vong hồn oan gia trái chủ, hay các thai nhi bị phá bỏ, thì chính người cần giải oan gia, phải thành tâm ăn năn, sám hối vì những lỗi lầm đã gây ra cho các oan gia trái chủ, cho thai nhi, có vậy họ mới buông được mối hận thù xuống, rồi tính tiếp.
Phần tiếp theo là trì chú Đại Bi nhiều lần (thường là 7 biến), hoặc tụng thêm các kinh chú khác cũng được, không cần cứng ngắc là chú Đại Bi, đem công đức đó hồi hướng cho vong linh tiêu trừ nghiệp chướng, tăng phước báo, vì phước không có, khó lòng sinh lên những cảnh giới tốt hơn được.
Cuối cùng là phần khai thị giúp các vong linh hiểu về thế giới Tây Phương Cực Lạc, khởi lên nguyện ước được sinh về đó. Rồi tất cả đồng thanh niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, ít thì 15 phút, nhiều thì cả tiếng, tùy tâm, lại hồi hướng công đức niệm Phật ấy cho các vong linh được siêu sinh Cực Lạc.
Phối hợp những yếu tố trên lại, cộng thêm sự thành tâm, và đạo lực của cả một đạo tràng, một buổi Cầu siêu chưa đầy một tiếng, chúng tôi dù không nhìn thấy, nhưng vẫn luôn tin rằng việc làm này sẽ ảnh hưởng cực mạnh đến đông đảo vong linh trong vô hình.
*Tôi sẽ để link drive của cuốn “Tổng hợp Nghi thức cầu siêu” ngay dòng dưới, nếu bạn quan tâm có thể bấm vào, tải xuống, đem in ra tham khảo. Trong đó có hướng dẫn chi tiết, hãy đọc kĩ là có thể áp dụng.
Link tải về:
https://drive.google.com/file/d/1qGeZX1Jvzu3xJ2WblosnoOjFA0R17A23/view?usp=sharing
____________________
Bất luận như thế nào, khi chúng ta đơn thuần vì tình thương không vụ lợi, vì nghe theo lời Phật dạy, vì lợi ích cho các vong linh mà bày ra một mâm cúng, với thành ý giúp họ được no ấm, được siêu thoát, thì dù ngắn, dù dài, dù hay, dù dở, các vong linh đều sẽ luôn cảm thấy được ấm lòng, và trân trọng biết ơn, vì họ có tha tâm thông, hiểu hết tấm lòng của người cúng cầu siêu cho họ.
Và hơn nữa, là sẽ luôn có chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho chúng tôi, hoàn thành viên mãn việc Phật sự hết sức ý nghĩa này, dù không tận mắt thấy, chúng tôi vẫn luôn tin như vậy.
Bởi vậy, anh em chúng tôi vẫn trêu vui với nhau, sứ mệnh ‘cầu siêu’ này nói khó thì không phải quá khó, dễ cũng không phải dễ. Với Nghi thức đã có sẵn, chỉ cần tâm chân thành không vụ lợi, cùng sự siêng năng, chịu khó, không ngại mưa gió, đêm hôm nghĩa trang rùng rợn, (với đôi khi có chút khó khăn, là thỉnh thoảng có vài ông dân phòng tưởng mình làm chuyện mờ ám rồi ra đuổi như đuổi vịt) thì đảm bảo Phật sự viên mãn.
Cứu được một chúng sinh thoát khổ, là người hay là vong linh đều là cứu, độ cho được một chúng sinh vãng sinh Cực Lạc, là người hay là vong linh đều là độ, công đức vô lượng.
Mà thực ra chúng tôi cũng không mấy ai để ý chuyện công đức ít nhiều, vì đơn giản, với chúng tôi đó là sứ mệnh. Miễn đúng như lời Phật dạy, miễn đem lại lợi ích cho chúng sinh, là chúng tôi sẵn sàng làm, chẳng từ nan.


CẦU SIÊU TẠI BÃI SAU – VŨNG TÀU

Cầu siêu nhiều, thỉnh thoảng anh em chúng tôi cũng có gặp một số cảm ứng trong mơ. Như cầu siêu thai nhi, thì đêm nằm mơ thấy thai nhi vui vẻ tha thứ, rồi rời đi. Hiếu, sư muội của tôi, pháp danh là Diệu Thiện Tuệ, có lẽ mơ thấy nhiều nhất, có đêm mơ thấy trong buổi cầu siêu, hiện ra một vong linh người bốc ra lửa cháy rực, sau khi đại chúng tụng niệm cho thì lửa tắt, hoan hỉ rời đi.
Cũng có khi nằm mơ thấy vong linh dắt đi đến một chỗ lạ, chỉ rõ các đặc điểm tại nơi ấy, núi như thế, biển như thế để chúng tôi đến cầu siêu. Khi tỉnh dậy, anh em thử đi tìm theo chỉ dẫn trong mơ, quả nhiên tìm ra chỗ đúng như vậy tồn tại ngoài đời thật, thường là những khu vực nhiều người chết tai nạn.
Xong dù sao cũng là mơ, có nhà ngoại cảm nào tham gia cùng thì vẫn tốt hơn nhiều. Nhiều lần anh em tôi cũng có rủ rê những người có chút ít năng lực mắt âm dương về tham gia các lễ cầu siêu, nhưng đều không đủ duyên, khi thì việc này, khi việc nọ, tất cả đều lỡ hẹn. Riết tôi cứ đinh ninh rằng cái điều mong ngóng này sẽ chẳng bao giờ thực hiện được.
Xong tôi đã nhầm, vào một ngày đẹp trời, với sự xuất hiện của một nhân vật đặc biệt, chị Diệu Lan (pháp danh), tôi đã được toại nguyện.
Nếu ai đã đọc qua sách “Bệnh viện trả về, Phật Pháp cứu sống”, thì có thể biết rõ hơn chị Diệu Lan cùng câu chuyện ly kì của chị ấy siêu độ cho đàn heo oan gia.
Tôi chỉ tóm lược lại một chút để mọi người tiện theo dõi, chị ấy là một Phật tử thuần thành tại Tp. HCM, trải qua quá trình trì tụng Kinh Địa Tạng, và thiền định lâu dài trong nhiều năm (nếu không muốn nói là nhiều kiếp tu hành). Vào một ngày đẹp trời duyên phước hội tụ đủ, chị khai mở được thiên nhãn thông, và túc mạng thông, nhìn thấy thế giới cõi âm, và còn thấy cả tiền kiếp của mọi người.
Có thể nói so với những người mà chúng tôi có ý thỉnh mời trước kia, thì chị ấy là xếp vào hạng “thượng thừa” hơn nhiều lần, vì có cả túc mạng thông thấy được nhân quả và tiền kiếp nữa. Ây da, quả là làm việc cho Phật thì luôn được chư Phật gia hộ, muốn là được mà.
Được Phật gia hộ, tôi không bao giờ nghi ngờ về việc này, vì chúng tôi trải qua nhiều lần rồi, kế hoạch cứ cần gì là có cái đó, thiếu gì tự nhiên ở đâu cũng sẽ có người mang đến, may mắn đến kì lạ mà không một ai có thể mường tượng ra được. Nên tôi luôn cảm thấy như ánh hào quang của chư Phật luôn lan tỏa trên đầu chúng tôi. mà mạnh dạn lăn xả, chẳng do dự, e ngại.
Buổi gặp mặt chị Diệu Lan cũng thật thú vị. Hôm ấy ngày 24/3/2018, vào thứ 7 rảnh rỗi nên nhóm tôi tổ chức bữa tiệc chay nho nhỏ để anh em tụ họp “hội nghị bàn tròn”, nói cho oai thôi chứ cũng chỉ tám dóc là chính. Rồi sau đó anh em sẽ ra một khu vực nổi tiếng nhiều ma ở Vũng Tàu, nằm ở khu Ô Quắn, Bãi Sau để cầu siêu.
Sau khi mọi người tập trung đầy đủ, thì đại ca hướng tay vào một chị gái mới xuất hiện lần đầu, giới thiệu rằng đây là chị Diệu Lan, nhân vật trong sách mà ai cũng biết. Tôi lập tức quay sang chị nhìn chăm chú, ấn tượng tôi còn nhớ khi ấy, đó là một sự huyền bí toát ra từ đôi mắt chị, nó thu hút người đối diện, một cảm giác thật sự là khó tả.
Màn chào hỏi lập tức trở nên rôm rả, vì bọn tôi nghe qua câu chuyện ly kì của chị, cũng hóng gặp chị từ lâu. Ai ai cũng vừa bất ngờ, vừa hoan hỷ.
Tôi nghe đại ca kể, chị Diệu Lan không thích cúng bái, cầu siêu, chị tự nhận đạo lực yếu, không chịu nổi âm khí ở nghĩa trang, rủ nhiều lần rồi không chịu tham gia. Nhưng nay có lẽ do duyên cớ gì đó, khiến chị đã mở lòng hơn, dù sao ước nguyện cũng đã thành, nhóm đã có một nhà ngoại cảm đi cùng. Wow, thật là đã quá đi.
Đi cùng chị Diệu Lan là một chị nữa trẻ hơn tên Hương. Chị Hương có mái tóc xoăn cắt ngắn ngang vai, chị đeo mắt kính, gương mặt lộ rõ vẻ trí thức. Theo tôi được biết chị cũng là một Thạc sĩ, không biết rõ làm nghề gì nhưng nói chung là dạng tri thức, không biết có năng lực tâm linh gì không.
Và duyên lành khéo xếp, hôm nay Hiếu cũng rủ thêm được một nhân vật thường xuyên thấy ma. Cô gái này tên Tân, là đồng nghiệp của Hiếu, xinh xắn, tóc dài ngang hông lúc nào cũng được tết lại gọn gàng.
Tân bẩm sinh cơ địa như thế nào đó, cũng có khả năng nhìn thấy vong linh, xong năng lực không được mạnh và ổn định lắm. Nói ra thì mọi người chả ai tin, lại cho Tân là dạng dị thường, nên Tân thường tự ti, giấu kín chuyện này ít nói cho ai. Chỉ khi biết Hiếu là Phật tử, hay đi cầu siêu thì mới thổ lộ, và được Hiếu rủ rê “rước” vào đội này.
Chúng tôi ăn qua loa rồi đúng 19h30, nhóm tôi bắt đầu xuất phát, đồ cúng đã chuẩn bị sẵn sàng đẩy đủ, thẳng tiến ra khu vực Bãi Sau.
Nhóm tôi chia thành từng xe chở nhau đi. Anh Quang Tử chở chị Diệu Lan, tôi đi với Tân, còn lại mọi người sắp xếp sao đó tôi không chú ý.
Chúng tôi hướng đến khu vực Ô Quắn, nơi đường Thùy Vân tiếp giáp với núi Tao Phùng, một trong những địa điểm nhiều ma nhất tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Khi xưa vị trí này có một con tàu tên Ô Quắn bị mắc cạn, xác tàu nằm yên trên bãi đá ngầm gần bờ suốt mấy chục năm, trở thành một cái cầu nhảy lí tưởng cho mấy thanh niên tắm biển.
Xong nơi đây lại có một vùng nước xoáy do các dòng nước ngầm tạo ra rất nguy hiểm. Nên bãi tắm ở đây thường xuyên có nhiều người chết đuối, thậm chí chết đuối ở những khu vực khác, xác cũng sẽ bị nước cuốn về đây. Vì vậy, khu vực này trở nên nổi tiếng nhiều ma, cũng là điều dễ hiểu.
Một đêm đại ca nằm mơ thấy đi ra khu vực này tìm chỗ lập đàn cầu siêu, thấy có con đường mòn như thế, có đài Quan Âm, có nhà linh (nhà cho vong linh ở), và trong mơ “chốt” điểm này. Vài hôm sau đại ca tò mò, ra thử xem sao, vì cũng ít khi lui tới khu vực này, không biết mơ với thực như thế nào.
Quả nhiên, đại ca tìm được đúng con đường mòn như trong mộng. Ở đây, mọi quán xá, nhà hàng người ta mở lên đều bị quấy phá sao đó, các chủ quán chịu không nổi nên bỏ của chạy lấy người. Hàng loạt nhà cửa, quầy kệ còn nguyên nhưng tuyệt không thấy bóng người nào cả, cảnh vật rất tiêu điều, hoang sơ, lạnh lẽo khác hẳn với vẻ sầm uất, náo nhiệt xung quanh.
Đi tiếp thì thấy vài cái miếu nho nhỏ người ta xây thờ các vong chết đuối. Tìm tiếp thì thấy một cái đài xây rất cao ngay sát bờ biển, tường gạch cũ nát, chỉ còn cái nền, không có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát như trong giấc mơ.
Nhưng sau tìm hiểu thêm những người sống ở đây lâu năm, thì mới vỡ lẽ, quả đúng cái đài cao này khi xưa thờ một bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát rất đẹp, xong đã bị kẻ nào đó đập phá hoang tàn.
Đến nay chỉ còn trơ lại cái nền cao hơn 3m, không có cầu thang, bậc thang gì cả, muốn lên chỉ có cách bám vào các mỏm đá mà trèo lên. Như vậy giấc mơ đã báo chính xác, và từ đó nhóm chúng tôi thường xuyên tổ chức ra đây cầu siêu cho các vong cả trên bờ lẫn dưới biển.
Trên đường đi, khi còn cách khoảng 4 km thì tới nơi, chị Diệu Lan nói với đại ca:
– Quang Tử, chị thấy các vong linh đang chen chúc nhau bám vào các mỏm gạch mà trèo lên giành chỗ, đông lắm.
Đại ca ngạc nhiên, rõ ràng nãy giờ mình đâu đã có miêu tả chỗ đó như thế nào, sao chị Diệu Lan lại biết là phải trèo, nên cố ý hỏi lại:
– Sao lại phải trèo hả chị ?
– Chị cũng không hiểu, nhưng chị thấy vậy đó, có bức tường cũ xây bằng gạch đỏ, và vong linh chen nhau trèo lên chờ sẵn.
– Vậy thì đúng rồi đó chị. Chỗ đó là một cái nền xây bằng gạch cao 3m, không có cầu thang, muốn lên chỉ có cách trèo mà thôi.
Khi chạy xe đến cách nơi đó khoảng nửa km, chị Diệu Lan lại nói:
– Đông quá Quang Tử ơi. Cả một khu vực này chật ních vong linh chen nhau san sát chờ sẵn, chị cảm thấy muốn ngộp thở.
– Wow, đông vậy sao, còn nửa cây nữa mới tới nơi đó chị.
Năm phút sau, chúng tôi gửi xe và hội quân dưới chân núi Tao Phùng, người mang túi, người mang ba lô, hăm hở đi bộ xuống bờ biển. Càng đi càng xa ánh đèn đường, xung quanh tối thui, chúng tôi bật vài cái đèn pin lên soi, vừa đi vừa cười đùa rôm rả.
Cảnh vật hoang sơ, một bên là núi cao, một bên là biển cả trập trùng sóng, tôi có cảm giác mình thật nhỏ bé. Đã vậy lại biết rằng quanh tôi chật kín vong linh không kẽ hở, da gà da vịt tôi nổi lên từng hồi.
Tân cũng có cảm giác ngộp thở, lộ rõ vẻ sợ sệt, hai nhà ngoại cảm không hẹn mà cùng một cảm xúc. Đang đi thì chị Diệu Lan nhảy cẫng lên, la thất thanh “A…Aaa…” rồi túm chặt áo đại ca, thở gấp rồi lắp bắp:
– Có … Có… con quỷ ngồi trên cây. Mắt nó xanh lè, đang vắt vẻo nhìn mình kìa.
Nghe thấy vậy cả đám ớn lạnh, nếu tôi lúc ấy mà nhìn thấy những gì chị Diệu Lan nói, chắc tôi phải đi thay quần mất. Như một phản xạ, tôi lập tức niệm Phật, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát cho đỡ sợ. Còn đại ca thì cứ cười cười, tỉnh bơ mà đi tiếp, bọn tôi đành đi theo, vừa đi vừa run.
Đến đài cầu siêu, chị Diệu Lan xác nhận lại, đúng là cái bờ tường mà ban nãy đã thấy. Bọn tôi trèo lên và nhanh chóng sắp xếp mâm cơm chay, trái cây, hoa… còn đại ca thì an trí tượng Phật, sắp xếp đèn, chị Diệu Lan thì vẫn quan sát, và liên tục miêu tả quang cảnh trong siêu hình.
Chị nói, từng đợt, từng đợt các vong linh từ biển cả, theo từng cơn sóng mà không ngừng tiến vào khu vực chúng tôi với khí thế hăm hở. Cũng có một số vong linh đến quấy phá, muốn trêu chọc chúng tôi, xong đại đa số thì đến với niềm háo hức, chờ đợi màn cúng thí thực cho thỏa cơn đói khát, và phần lễ siêu độ, để họ sớm thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ khổ sở.

Quả là thế giới vong linh đều có tha tâm thông, chúng tôi đâu đã chính thức khai đàn, thỉnh mời gì đâu, xong họ vẫn biết rõ mà kéo tới đông đảo như muốn ngập trời ngập biển.
Tôi bất giác cũng nhìn ra biển, dù biết mình sẽ chẳng thấy gì. Mặt biển bao la trùm phủ một màu tối đen ảm đạm, đường chân trời xa xăm kia không biết sẽ dẫn về đâu. Âm thanh của vô vàn cơn sóng vỗ vào bờ đá dồn dập, cùng tiếng gió biển rít lên từng hồi lạnh lẽo, nhưng bị những tiếng nói chuyện, cười đùa liên hồi của chúng tôi lấn át đi.
Gần chục cái đèn pin đủ loại được chúng tôi bật hết lên, từ đài cao soi chiếu tứ phương, tạo thành một dàn những tia sáng rực rỡ, hắt vào màn đêm hiu quạnh. Tuy chẳng thể biến đêm đen thành ban ngày, nhưng chí ít cũng tạo thành một điểm sáng, xua tan đi một chút u tối của cái màn đêm tịch mịch.
Mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi bắt đầu buổi cầu siêu. Tiếng chuông trầm ấm vang lên, nhang khói nghi ngút bay bay trong gió, đạo tràng khoảng chục người thành kính quỳ chắp tay, lễ bái nhịp nhàng theo tiếng chuông, rồi đồng thanh tụng niệm theo Nghi thức Cầu siêu mà mỗi người đã được phát một quyển.
Tiếp đến là phần thỉnh mời, chị Diệu Lan tả, sau mỗi lần đọc câu “Xin cung thỉnh chư vị thiên long bát bộ, hương linh quỷ thần khắp mười phương …” thì các vong linh đã đông lại càng kéo về rất đông hơn nữa, không chỉ là vong linh con người, già, trẻ, lớn, bé, các vong thai nhi, mà còn gồm vong linh các loài cá, cua, rùa, ốc… rồi các loài quỷ thần kì lạ mà chị Diệu Lan cũng không biết được là chủng loại nào. Thế nên chúng tôi lặp lại phần thỉnh mời khá nhiều lần trong suốt buổi cầu siêu.
Tinh thần chúng tôi lúc ấy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cố gắng đọc to, dõng dạc, vang vọng, tâm ý thì tập trung nhất có thể.
Sau khi đọc xong phần cúng thí thực (cúng cho vong ăn) với câu thần chú Biến Thực Chân Ngôn do Đức Phật thuyết trong kinh Diệm Khẩu, đại ca bất chợt hỏi lớn:
– Xin các vị cho biết, các vị đã thấy no chưa ?
Rồi nhìn sang chị Diệu Lan chờ ‘thông dịch’, thì nhận được câu trả lời đồng thanh đầy hoan hỉ từ họ: “No rồi!”
Lời Phật dạy là cấm có sai, thức ăn chúng tôi bày cúng chỉ có một mâm nhỏ, nếu là người thì chắc chỉ đủ cho 1-2 người ăn.
Nhưng nhờ công năng biến phẩm vật ra nhiều vô biên vô lượng của thần chú Biến Thực, mà số lượng triệu triệu, tỉ tỉ vong linh nhiều như số cát sông Hằng ở đây vẫn được no đủ.
Thật là vi diệu, thế mà nhiều người đọc kinh cứ bán tín bán nghi, chẳng chịu làm đúng theo lời kinh dạy. Bày vẽ mâm cao cỗ đầy, ê hề tốn kém, tà đạo thì còn cúng gà cúng lợn, giết mổ gây sát nghiệp chồng chất…
Đâu có biết rằng đó là việc không cần thiết, chỉ cần chuẩn bị chút ít cơm chay, trái cây, ly nước, đọc chú Biến Thực và chú Cam Lồ Thủy, thì hết thảy quỷ thần, vong linh đến dự đều no đủ.
Tiếp đến là phần khai thị giúp chư vị vong linh quỷ thần buông bỏ bám chấp, phát nguyện sinh về cõi Cực Lạc của Phật Di Đà, rồi trì chú Đại Bi hồi hướng công đức cho các vong linh được tiêu trừ nghiệp chướng.
Âm thanh tụng niệm của đại chúng cộng hưởng vang rền một vùng biển, theo lời chị Diệu Lan và Tân, ở bên kia, đại đa số các chúng sinh đủ chủng loại đều thành kính quỳ rạp, chắp tay mà nghe, lòng đầy hoan hỉ.
Đến phần niệm Nam Mô A Di Đà Phật, như thường lệ, chúng tôi dùng máy mở một giai điệu niệm Phật theo nhạc, để mọi người niệm theo khoảng 15 phút. Cách này có điểm lợi là giai điệu thong thả, niệm lâu không bị mệt, lại vừa giúp mọi người nhiếp tâm thành kính hơn. Với lại một buổi cầu siêu có âm nhạc, niệm Phật bằng phương thức hát xướng, tôi vẫn thấy thích hơn là cứ đọc đều đều từ đầu đến cuối.

Nhạc dạo cất lên, đại chúng đồng thanh hòa vào câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” với tất cả niềm tin kính, tiếng niệm Phật vang vọng vào khoảng không bao la của biển cả, vừa trầm hùng mà vẫn da diết, vừa trang nghiêm mà vẫn gần gũi.
Chị Diệu Lan niệm một lúc thì liền nói, rằng triệu triệu các vong linh khắp trên bờ, dưới biển cũng đều đang chắp tay, chí thành niệm Phật như mọi người. Họ thậm chí còn hò reo vui sướng, một số quá khích còn nhẩy cẫng lên cao.
Tân cũng quay sang đại ca, chỉ về hướng một hòn đảo nhỏ (tên là Hòn Bà) cách chúng tôi khoảng 300m, và nói rằng ở đó, lớp lớp các vong hồn cũng đang chắp tay, hoà cùng nhịp niệm Phật với chúng tôi.
Chị Diệu Lan lại tiếp:
– Chị chuyển lời giùm các vong linh ở đây. Họ nói: “Cảm ơn mọi người đã không quản ngại khó khăn, bỏ thời gian công sức đến đây cầu siêu cho chúng tôi, công đức vô lượng, xin đa tạ mọi người !”
Khi gần kết thúc phần niệm Phật, chị Diệu Lan chỉ tay lên vùng trời phía xa xa, dù biết chúng tôi chả thấy gì đâu, nhưng chị vẫn chỉ và nói:
– Khắp nơi chị thấy các vong hồn đang bay dần lên cao, họ đang siêu đấy, từng tốp, từng tốp đủ cả vong linh người, vong linh cá, tôm, cua, ốc, rùa ….đang bay bay lên, đông lắm. Chị không biết họ sẽ đến đâu, nhưng theo tiếng niệm Phật của mọi người, thì một số lượng đông đảo vong linh, khoảng độ một phần ba, đã bay lên và biến mất.

Nghe xong, dù không thấy được gì nhưng trong lòng chúng tôi hoan hỷ vô cùng, mừng rơi nước mắt, chỉ mong họ được siêu thoát an lành chứ không mong cầu điều gì hơn nữa. Họ vui mừng thì chúng tôi cũng hết sức mừng vui, niềm hoan hỷ ở hai cõi âm – dương lúc ấy giao hòa đến không cùng vô tận .
Chúc cho họ được sinh về những cảnh giới an lành, không còn đau khổ, đói lạnh nơi này nữa. Theo như đại ca giải thích, những vong linh nào duyên phước đầy đủ, kiếp trước từng có duyên với Phật A Di Đà, từng biết niệm Phật, phát nguyện Vãng Sinh, thì nay có thể được siêu sinh lên cõi Cực Lạc. Thấp hơn có thể sinh lên một số cõi trời, thấp hơn nữa thì tái sinh một kiếp khác ở nhân gian. Chí ít thì cũng được tiêu trừ nhiều nghiệp chướng, an lạc hơn, no đủ hơn trước.

Buổi cầu siêu trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ, đã kết thúc viên mãn sau phần Tam Tự Quy Y. Ai nấy đều hết sức vui mừng, cảm giác lâng lâng, ấm áp đến khó tả. Chị Diệu Lan và Tân, lúc ban đầu thấy ngột ngạt khó thở, thì lúc này đã thấy nhẹ nhõm, sảng khoái hẳn lên.
Lúc chúng tôi dọn dẹp dời đi, chị Diệu Lan ngoảnh lại nhìn, thấy những vong linh còn ở lại đang ra sức vẫy tay chào chúng tôi, và tiếp tục gửi những lời cảm tạ không ngớt.
Chúng tôi hẹn họ lần sau sẽ lại tới đây cầu siêu tiếp, đây không phải lần đầu, và tất nhiên cũng chẳng phải lần cuối ! Bây giờ ngồi kể lại, tôi vẫn nhớ như in cảm giác lúc ấy, là nữ chúa nhát gan, tuy tôi vẫn sợ, vẫn thấy hơi rờn rợn nhưng mà vui thì nhiều hơn. Thật ấm áp và hoan hỉ khi được góp mặt trong một sứ mệnh thiêng liêng như thế này.
Đã vậy lại càng thú vị khi có chị Diệu Lan làm thông dịch viên giữa hai cõi âm dương. Cuộc đời có mấy khi được giao lưu với thế giới bên kia như hôm nay.


CẦU SIÊU NGHĨA TRANG LIỆT SĨ

Sáng hôm sau, một buổi sáng chủ nhật tinh khôi và trong trẻo, mây trôi nhẹ, nắng khẽ chạm cửa sổ báo hiệu một ngày mới với nhiều điều kì diệu đang đến.
Theo lịch trình đã đặt trước, hôm nay chúng tôi sẽ đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách chỗ chúng tôi khoảng 30km, để cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Tranh thủ có chị Diệu Lan ở đây, cầu siêu nhiều nhiều một chút, mở rộng tầm mắt, mấy khi được biết thế giới cõi âm họ sống như thế nào.
Mới sáng ra chúng tôi đã tất bật chuẩn bị đồ cúng cho lịch trình mới, ai cũng vui vẻ, háo hức. Hẹn 9h sáng đi rồi mà cả đội “dây thun“ sang gần trưa, một phong cách rất truyền thống của nhóm chúng tôi, mãi không chừa được. Tôi cũng là một trong số đó, mường tượng lại tôi cũng không hiểu từ sáng tới giờ tôi loay hoay làm cái gì mà tốn nhiều thời gian đến thế. “Thôi kệ! Đằng nào thì cũng chẳng sửa nổi cái tính này”
Đội hình hôm nay ít hơn hôm qua, do một số người có việc bận không đi được, Tân cũng không tham dự được. Cả bọn đùm đề ba lô, túi xách với mọi vật dụng cần thiết, 5 chiếc xe máy nhắm hướng Nghĩa trang, chạy khoảng 30 phút thì tới nơi.
Trước mắt tôi là cổng Nghĩa trang liệt sĩ sừng sững hiên ngang, khiến tôi liên tưởng đến dáng đứng hiên ngang của những anh hùng bất khuất của dân tộc, thà chết không chịu khuất phục.
Tiến vào trong, hoa cỏ, cây cối, cảnh quan được bài trí không cầu kì nhưng đẹp mắt. Từng hàng mộ ngay ngắn, đều tăm tắp trải dài trong một khuôn viên rộng lớn, y như đội hình duyệt binh của một quân đoàn nghiêm trang.
Không gian yên ả, từng cơn gió tươi mát lùa qua tàn cây, rơi xuống vài chiếc lá, thỉnh thoảng líu lo vài tiếng chim hót, khiến tôi cảm thấy thực sự thanh bình.
Đúng, và cái thanh bình mà tôi đang cảm nhận ấy, cũng như cái thanh bình của cả quê hương đất nước Việt Nam tôi đang sống, chính là được đánh đổi từ xương máu của những chiến sĩ đã anh dũng nằm xuống nơi đây. Bất giác, một niềm xúc động bồi hồi dâng lên trong lòng tôi.
Đại ca đi gặp bác quản trang để xin phép được cử hành buổi cầu siêu. Dù đã quen, xong bác vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi vào nhà tưởng niệm liệt sĩ, ân cần hỏi chúng tôi có cần thêm gì không rồi mới rời đi. Bác thật chu đáo.
Nhà tưởng niệm này chính giữa có tượng Bác Hồ màu đồng rất uy nghi, trên tường là dày đặc danh sách tên tuổi các liệt sĩ đã hi sinh, không chỉ ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn rất nhiều phần mộ anh linh chiến sĩ từ các tỉnh thành khác, đặc biệt ở đây có rất nhiều mộ liệt sĩ được quy tập từ Campuchia về.
Chúng tôi chia nhau ra, người thì sắp xếp đồ cúng , người thì ra ngoài mộ thắp nhang thỉnh mời anh linh các chú liệt sĩ vào dự pháp hội.
Sắp xếp xong bàn cúng thì mọi người cũng kịp trở vào. Chị Diệu Lan chỉ vào chị Hương rồi bảo :
– Ban nãy em vừa thắp nhang lên mộ các chú, vừa niệm Nam Mô A Di Đà Phật, thì có chú liệt sĩ nói : ”Sao không hát bài Đoàn Vệ Quốc Quân mà cứ niệm Phật hoài vậy con?”
Tôi từ bé đến giờ toàn nghe ba cái nhạc sàm sàm, chứ nào có biết cái bài Đoàn Vệ Quốc Quân là cái bài chi mô. Hỏi mọi người thì trừ đại ca, cũng chả ai biết cả.
Tôi muốn thử lại một chút, vèo một cái rút điện thoại tra nhanh thánh Google. Không ngờ có bài hát là “Đoàn vệ Quốc Quân” do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác thật, không sai một từ…
Các chú đã nói vậy, đại ca liền đáp ứng, kéo bọn tôi ra ngoài hàng mộ. Dưới cái nắng chói chang của mặt trời giữa trưa, chúng tôi đứng trước mộ các chú và giơ tay và cúi đầu chào kiểu nhà binh.
Nhìn trùng trùng điệp điệp biết bao nhiêu ngôi mộ liệt sĩ nơi đây, là ngần ấy cuộc đời, ngần ấy tuổi trẻ đã hi sinh vì nền độc lập Tổ Quốc, để cho thế hệ chúng tôi có ngày độc lập hòa bình yên ổn như hôm nay.
Để các chú vui lòng, đừng nói hát một bài, chứ cả trăm bài tôi cũng chẳng ngại. Kết nối điện thoại với loa bluetooth xong, đại ca mở bài Đoàn Vệ Quốc Quân lên và bắt nhịp cho cả đội cùng hát.
Giai điệu hùng tráng ngân vang, chúng tôi cùng hòa theo. Ngoài đại ca đã thuộc, còn lại chúng tôi phải nhìn điện thoại, hát lần đầu nên lạc giọng, sai từ tùm lum, nhưng không sao, chắc các chú sẽ thông cảm. Từng lời từng chữ của bài hát đi thẳng vào trái tim chúng tôi:
“Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi
Nào có xá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui…”
Lần đầu tiên tôi hát bài hát này nhưng sao bài hát da diết, hùng hồn đến thế. Đầu tôi hiện lên hình ảnh về những người chiến sĩ đã bỏ lại gia đình, bỏ lại vợ con, ra đi không hẹn ngày về, vì nền độc lập non sông đất nước chẳng tiếc thân mạng. Càng hát tôi càng thấy xúc động, rơm rớm nước mắt. Bài hát kết thúc, chị Diệu Lan quay sang và trịnh trọng nói:
– Lúc chúng ta giơ tay chào, rất đông các chú liệt sĩ cũng nghiêm trang giơ tay chào lại. Và gửi lời :“ Tụi chú cũng chào các cháu, hôm nay các cháu lại đến thật là vui quá. Bọn chú ngóng mãi đấy”. Vào lúc tụi mình hát, các chú cũng nhao nhao vỗ tay reo hò, lắc lư và hát theo, còn khích lệ “các cháu hát rất hay”.

Nghe mà thấy thân thương làm sao. Tôi không muốn vào trong vội, cứ muốn nấn ná ở lại thêm lúc nữa cho thỏa nỗi bồi hồi. Nhưng thực tế thì không cho phép, chúng tôi vẫn phải vào để thực hiện buổi cầu siêu cho các chú.
Trong tâm tôi hiểu rằng, quan trọng không phải là sự lưu luyến, mà phải dốc hết sức lực nhỏ bé của mình để các chú được siêu thoát an lành không còn đau khổ ở cõi đời giả tạm này nữa, đó mới thực sự là sự đền ơn.
Chúng tôi bắt đầu Nghi thức cầu siêu ngay sau đó. Mọi trình tự cũng giống như mọi khi, chỉ khác là ngoài thỉnh mời hương vong linh thập phương như trong sách, đại ca còn long trọng thỉnh mời anh linh của tất cả anh hùng liệt sĩ khắp mọi miền tổ quốc về dự lễ.
Rồi quay sang chị Diệu Lan để cập nhật tình hình. Chị nói số lượng các anh linh liệt sĩ về trong nghĩa trang rất đông. Các vong linh khác cũng về đông đảo, nhưng họ không được vào trong này, mà chỉ có thể đứng ngoài cổng, ngoài hàng rào, ở xa nên chị nhìn không rõ. Ồ, thì ra là vậy, nghĩa trang liệt sĩ quả nhiên có điểm khác, kỷ luật rất “thép”, không phải ai muốn vào thì vào.
Nghi thức cầu siêu lần lượt được triển khai từng bước nhịp nhàng và bài bản, từ lễ Phật, thỉnh mời, cúng cơm, khai thị buông xả bám chấp, trì chú Đại Bi hồi hướng công đức cho các hương linh, khai thị cầu Vãng sinh Cực Lạc, rồi niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Cả đội cũng đã cùng nhau tổ chức rất nhiều lần, hình thành một sự nhịp nhàng ăn ý giữa mọi người, nên mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ.
Đến lúc sắp niệm Phật xong, kết thúc buổi lễ, thì bỗng chị Hương không biết nhìn thấy cái gì đó, bất chợt nói rất to và rõng rạc:
– Xin thỉnh đại chúng chí thành niệm Phật thêm một lượt nữa, cầu cho các hương linh được siêu thoát – rồi lạy một lạy.
Mọi người ngạc nhiên quay ra nhìn chị Hương, chị ít nói, bình thường không mạnh dạn như vậy, không biết có chú nào nhập vào không. Đại ca cũng thấy lạ, xong vẫn dẫn chúng niệm Phật thêm một lượt nữa.
Giai điệu tha thiết lại ngân lên, câu “Nam Mô A Di Đà Phật” từ dàn đồng ca không chuyên chúng tôi vang dội khắp nghĩa trang, mang theo tấm lòng của chúng tôi, mong cầu cho anh linh các liệt sĩ được siêu sinh lên cõi Cực Lạc, mà hưởng an lạc vĩnh hằng.
Buổi cầu siêu kết thúc viên mãn. Lập tức mọi người quay sang gạn hỏi chị Hương, chị mới kể rằng, bình thường chị cũng chẳng có khai thiên nhãn gì, chẳng có thấy gì lạ bao giờ đâu. Xong không biết sao trong lúc niệm Phật, đột nhiên chị bỗng thấy Quán Thế Âm Bồ Tát với hào quang hiện ra trên nền trời phía xa, và bên dưới là không biết bao nhiêu các vong linh, tốp thì nhảy lên, tốp thì bay lên trùng trùng điệp điệp. Thấy cảnh tượng đó, chị xúc động quá, nên thỉnh đại chúng niệm Phật thêm một thời nữa.
Chị Diệu Lan cũng kể, đến phần niệm Phật, các chú đều hoan hỷ niệm Phật theo nhóm mình, cũng giống như các vong linh tối qua vậy. Chúng tôi hỏi chị có chú nào bay lên không, thì chị nói :
– Các chú có siêu, nhưng là siêu kiểu của các chú, tức là được tăng thêm phước lành, an lạc hơn, tự tại hơn, nhưng không đi đến một cõi nào khác cả, mà vẫn ở yên đây.
Các chú giải thích rằng, tâm nguyện của các chú là được tiếp tục bảo vệ non sông đất nước, khi sống đã như vậy, và cho đến giờ, dù hi sinh đã bao năm rồi thì vẫn như vậy.
Đất nước tuy đã hòa bình từ lâu, non sông có vẻ yên bình. Nhưng cái yên bình đó chỉ trên bề mặt mà thôi. Thực ra vẫn luôn có những mối đe dọa ngầm, những sự phá hoại ngầm, những cuộc chiến ngầm từ những thế lực thù địch, chỉ người trong cuộc mới biết. Và các chú vẫn cứ nguyện ở cõi này, dùng uy linh của mình, tiếp tục bảo vệ bờ cõi non sông.
“Cho bao em thơ yên giấc ngủ ngon
Cho lúa reo vui trên đồng nắng mới
…Ôi đất nước mẹ hiền có biết
Chúng tôi đứng đây canh giữ ngày đêm.”
(Bài Ca Biên Giới – Nhạc sĩ : Bùi Công Kỳ)

Chà, thế giới tâm linh thật huyền bí, ẩn chứa nhiều điều ta chưa biết. Vốn dĩ chúng tôi mong mỏi các chú được siêu sinh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, hưởng an lạc vĩnh hằng, nhưng các chú lại muốn tiếp tục ở đây để làm nên sự bình an cho non sông đất nước. Nhưng thôi, đó là tâm nguyện cao cả của các chú, chúng cháu rất trân trọng.
Dù sao sau những buổi cầu siêu như thế này, các chú cũng được tăng thêm rất nhiều phước lành, an lạc hơn, tự tại hơn, cũng như tăng thêm thần lực, uy linh để thực hiện sứ mệnh của những người lính trong cõi vô hình.
Như vậy chúng tôi cũng đã rất vui trong lòng. Mọi thứ xong xuôi, anh chị em chúng tôi lục tục thu dọn hành trang để lên đường về lại Vũng Tàu. Chị Diệu Lan bỗng trịnh trọng nói :
– Cả nhà ơi, các chú nhờ chị chuyển lời đến mọi người rằng: “Từ bao năm qua, đã từng có nhiều đoàn thể đến đây cầu siêu cho các chú rồi. Riêng nhóm các cháu là đội ngũ nhiều người trẻ tuổi nhất, nhưng Nghi thức cầu siêu lại là bài bản nhất, xuất sắc nhất. Cảm ơn các cháu thật nhiều. Hẹn sớm ngày gặp lại các cháu.”
Tôi nghe xong sụt sùi nghĩ thầm: “Chúng con cũng thật sự cảm ơn các chú đã dành tặng lời khen quý báu!” Nghe mà sướng rơn như được trao tặng của báu chân bảo mà bất kì tiền bạc, đô la nào cũng không thể mua được.
Nghi thức cầu siêu của chúng tôi lại được bầu chọn là bài bản nhất, xuất sắc nhất từ chính thế giới siêu hình. Dù chỉ là chân ăn theo, nhưng mà tôi vẫn cảm thấy… ây da, thật là hãnh diện à.
Bình thường bảo đọc theo Nghi thức này thì tôi cứ đọc, cũng chẳng biết tại sao đại ca cứ sửa tới sửa lui mãi, nay thì mới hiểu, mỗi chỗ đều có công năng, đều có ý đồ cả. Theo chân đại ca quả là rất mệt, nhưng mà thích thật đấy.
Trên hết, với niềm tôn kính tha thiết nhất, chúng con thật lòng biết ơn chư Phật, chư Bồ Tát đã để lại cho chúng con những giáo lý vi diệu, những kinh điển, thần chú nhiệm màu, đầy từ bi và trí tuệ. Nhờ đó mà ngày hôm nay, con mới được chứng kiến sự vi diệu này, chưa kể đến vô vàn phước báu trong vô lượng kiếp sau.
Hàng ngàn năm đã trôi qua rồi, mà những gì Người để lại cho chúng con, vẫn cứu khổ ban vui cho chúng sinh khắp mọi cảnh giới, dù là cõi âm hay cõi dương.
Được làm đệ tử Phật, được đi trên con đường từ bi và trí tuệ mà Người đã chỉ dạy, thật là diễm phúc khổng lồ cho chúng con. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ! Nam Mô A Di Đà Phật ! Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo ! Chúng con xin thành kính tri ân Người!
Cuộc vui nào rồi cũng sẽ đến màn bế mạc, chúng tôi tạm biệt nhau, lên xe mỗi người một ngả, chở theo về cả những niềm hân hoan, lâng lâng đến khó tả, mà chỉ những ai từng mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng mới có thể hiểu nổi.
Đến tận hôm nay khi kể lại, niềm hân hoan ấy như vẫn trực chờ dâng lên trong lòng tôi. Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người đã cho tôi những kỉ niệm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy.
(Diệu Ngọc – Minh Kiên)

4.5 2 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
4 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Thu Hương
Khách
Thu Hương
1 năm trước

Hay và rất ý nghĩa ạ, e ở Huế không biết làm sao để tham gia ạ?

Nguyễn thị thu thủy
Khách
Nguyễn thị thu thủy
1 năm trước

Câu chuyện quá hay. Cảm ơn bạn Quang tử rất nhiều.

Khang
Khách
Khang
1 năm trước

rất hay và hữu ích ạ
Nam Mô Hoan Hỷ Bồ Tát