Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ cầm trên tay tập hồ sơ bệnh án, lặng lẽ đưa cho Thiện Căn, thở dài báo với gia đình:
– Cậu mắc ung thư máu giai đoạn cuối, chỉ còn sống 3 tháng thôi. Gia đình nên chuẩn bị tinh thần.
Một bầu không khí trầm mặc bao trùm tất cả. Ba mẹ Thiện Căn quay sang nhìn cậu mà nước mắt như muốn trào ra, còn chính cậu thì thấy như thế giới tối sầm lại trước mặt mình. Bác sĩ lặng lẽ rời đi để không phải chứng kiến thêm cảnh này, nhưng câu nói của ông thì vẫn còn văng vẳng lại trong tâm trí họ.
Chỉ còn ba tháng, thế là xong. Chỉ mới hơn hai mươi tuổi đầu, bao nhiêu ước mơ với đời còn đang vẫy gọi, bao nhiêu đam mê của tuổi trẻ chưa kịp thỏa chí vẫy vùng… Thế là giờ mọi thứ bay hơi cả, mọi cánh cửa tương lai đóng sầm ngay trước mắt. Cậu suy sụp. Cuộc đời đang thanh xuân phơi phới, cậu chưa kịp làm nên điều gì ý nghĩa, lớn lao, thì thần chết đã rung chuông báo hết giờ.
Cậu sinh ngày 5 tháng 5 năm 1987, là con trai trưởng trong một gia đình làm nghề buôn bán dụng cụ nông nghiệp tại Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Năm 2011, cậu có duyên lành được quy y Tam Bảo tại chùa Phước Linh, lấy pháp danh là Thiện Căn.
Cậu hiền lành, hiếu thảo với cha mẹ và thường xuyên giúp đỡ người nghèo. Học xong lớp 12, cậu không học tiếp lên đại học, ở nhà phụ giúp gia đình công việc kinh doanh, trông coi cửa hàng. Mặc dù kinh doanh ngành này lời lãi chẳng nhiều nhặn gì, xong mỗi khi thấy ai nghèo khổ, cậu chẳng những tặng luôn không lấy tiền, mà còn nhiệt tình xắn tay giúp đỡ họ. Ấy nhờ thế mà khách hàng rỉ tai nhau, cảm mến “ông chủ trẻ” tốt bụng mà ngày càng kéo đến ủng hộ nhiều hơn.
Mọi thứ đang trên đà tốt đẹp thì bất ngờ cậu phát hiện mình bị ung thư. Vào tháng 3 năm 2012, như bác sĩ thông báo, cậu chỉ sống được 3 tháng nữa.
Đứng trước cửa tử, Thiện Căn nhiều đêm trằn trọc trong nỗi hoang mang, sợ hãi. Hóa ra sinh mạng con người thật mong manh, bất thình lình thần chết đến gõ cửa, thì bất kể giàu nghèo, sang hèn, thủ tướng hay dân thường đều bất lực như nhau, nào đã có ai thoát được. Nào gia đình, nhà cửa, sự nghiệp và cả một tương lai sáng lạn, cậu tưởng mình có thể nắm giữ tất cả. Nhưng tới giờ phút này, cậu mới nhận ra mọi thứ trên đời bản chất chỉ như xây lâu đài cát, nay còn mai mất, khi cái chết đến sẽ chẳng đem theo được thứ gì.
Trước kia cậu cũng từng nghe người ta nói “cuộc sống vô thường”, nhưng chưa bao giờ nghĩ nhiều về nó. Chỉ khi thần chết gọi tên thì cậu mới chịu ngẫm nhiều về ý nghĩa của từ “vô thường”. Thì ra chẳng phải riêng mình cậu, tất cả mọi người xung quanh cậu, tất cả nhân loại này đều chỉ đang sống một kiếp sống tạm bợ. Ngay từ lúc mới sinh ra đã ấn định là phải chết, chỉ là ai đi trước, ai đi sau mà thôi. Thế nhưng đa số đều sống như là chẳng bao giờ chết vậy, mọi người lo sự nghiệp, lo tương lai, lo sức khỏe, lo kéo dài sự sống… lo đủ thứ trừ việc lo chết rồi sẽ thế nào.
Cha mẹ cậu cũng vậy, họ không đành lòng nhìn con mình cứ vậy mà chết. Còn nước thì còn tát, vậy là họ sắp xếp bán toàn bộ cửa hàng và vườn tược, rời bỏ miền quê thân thương lên cư ngụ tại Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh vừa làm ăn vừa tiện chữa trị cho Thiện Căn.
Trải qua những lần hóa xạ trị, cơ thể cậu đau đớn mệt mỏi, sắc mặt xanh xao, hốc mắt ngày một sâu hõm, gò má mỗi ngày một nhô lên cao hơn. Mỗi bữa cậu chỉ ăn được nửa bát cơm, thi thoảng vừa ăn vào đã nôn thốc nôn tháo.
Ngày qua ngày, vừa đau đớn thể xác, vừa u uất tinh thần, nhiều lần cậu tự vấn lòng mình trong sự bất lực: “Chẳng nhẽ cuộc đời mình lại kết thúc trong u sầu và vô nghĩa như thế này sao?”
Thế rồi, có một tia sáng đã soi chiếu vào cuộc đời u tối ấy, không giúp cậu cứu được tính mạng, nhưng chính là cứu cánh giúp Thiện Căn trải qua những năm tháng cuối đời không hề uổng phí.
Vốn là một Phật tử, Thiện Căn thi thoảng hay lui tới chùa lễ Phật, gặp gỡ và thỉnh an các sư thầy, học hỏi thêm một chút về Phật Pháp. Vào một ngày tháng 4 đẹp trời năm 2012, Thiện Căn có nhân duyên gặp được pháp môn Tịnh Độ, do một vị thầy khuyên cậu niệm Phật cầu vãng sinh Cực Lạc Thế Giới của Đức Phật A Di Đà.
Rồi cậu tìm hiểu thêm, mọi thứ dần vỡ ra, hóa ra chết không phải là hết, mà sẽ tiếp tục tái sinh những kiếp sống khác trong sáu cõi luân hồi. Con người ta chết chỗ này, sinh chỗ kia theo Nhân quả nghiệp báo. Có chỗ sướng, có chỗ khổ, nhưng không có một chỗ nào an lạc, vĩnh cửu như cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Mà để được sinh về đó, chỉ cần 3 điều là Tín – Nguyện – Hạnh.
Tín là tin tưởng vững chắc vào Phật A Di Đà, vào pháp môn tu Tịnh Độ để được sinh về cõi của Ngài. Nguyện là thiết tha khởi tâm phát nguyện sinh về Cực Lạc. Hạnh là siêng năng niệm Phật cùng với làm mọi việc phước lành, hồi hướng công đức để được sinh về Cực Lạc.
Chắc có duyên lành từ nhiều đời nhiều kiếp, Thiện Căn gặp được pháp môn Tịnh Độ liền tin tưởng tiếp nhận ngay. Kể từ đó cậu bắt đầu chuỗi ngày ăn chay niệm Phật miên mật. Khi khỏe thì cậu niệm ra tiếng, khi yếu thì cậu niệm thầm trong tâm. Có khi cậu nhốt mình trong phòng để tĩnh tâm hành trì, một câu “Nam Mô A Di Đà Phật! ” cứ thế trôi chảy ngập tràn trong tâm trí.
Ngày ngày đều đặn, cậu quỳ hai gối, đối trước hình Phật A Di Đà, khởi tâm cung kính, phát lời nguyện. Từng câu từng chữ phát ra đều chân thành khẩn thiết:
“Đức Phật A Di Đà từ bi gia hộ cho con-pháp danh Thiện Căn mãn kiếp được vãng sinh Cực Lạc, được biết trước ngày giờ vãng sinh ba ngày để con nói với gia đình con được an lạc”
Cha mẹ Thiện Căn cũng ủng hộ cậu, tuy rằng họ không hiểu tu tập như vậy có được lợi lạc gì hay không, nhưng vì thời gian sống của cậu không còn nhiều nên cậu muốn ăn chay niệm Phật hay làm gì cũng được.
Ấy vậy mà không ngờ, chính sự tinh tấn tu tập và sức gia trì của Phật Pháp đã giúp sức khỏe Thiện Căn tiến triển tốt. Trước cậu ăn nửa bát cơm cũng rất khó khăn, thì nay mỗi bữa cậu ăn được hai bát, có hôm còn thêm cả sữa và trái cây.
Nhiệm màu thay, mỗi khi niệm Phật, Thiện Căn thấy bớt đau rất nhiều, tinh thần ngày một thoải mái, không còn buồn phiền. Sắc mặt cậu hồng hào và tươi tắn hơn hẳn so với khi chưa niệm Phật. Mọi người trong gia đình ai cũng bất ngờ. Ngay cả bác sĩ cũng ngạc nhiên hỏi:
– Con ăn gì mà sao các tế bào ung thư dường như đang ngủ hết cả, không thấy phát tác gì hết.
– Con ăn chay, chỉ ăn bông cải xanh và niệm Phật.- Thiện Căn mỉm cười đáp.
Ánh mắt vị bác sĩ hoang mang, bất ngờ trước câu trả lời của Thiện Căn, họ không thể hiểu nổi tại sao ăn chay, niệm Phật lại có thể thắng được căn bệnh mà nền y khoa họ vẫn cho là tân tiến vượt bậc cũng đã chịu thua.
Năm tháng cứ thế trôi qua, cậu vẫn kiên trì tinh tấn tu tập. Thiện Căn đã thực sự buông bỏ sự tham đắm thế gian để sẵn sàng về cõi Phật. Sức khỏe dần dần tiếp tục khá lên. Số lần đi truyền máu cũng giảm đi so với trước. Nhưng cái đó với cậu không còn quan trọng, cậu dường như không còn để tâm đến chuyện gì ngoài câu Phật hiệu. Tín-nguyện-hạnh của cậu sâu chắc, vững chãi như kiềng ba chân, không thể lay chuyển.
Thời gian trôi qua thấm thoắt cũng được ba năm kể từ ngày bác sĩ tiên lượng Thiện Căn chỉ sống được ba tháng. Ba năm trước, khi biết mình sắp chết, cậu hoang mang sợ hãi, còn nay, cậu không còn lăn tăn gì nữa. Với cậu lúc này, chết không còn là cánh cửa đóng lại mọi thứ. Ngược lại, nó là cánh cửa được mở ra đưa cậu tới một nơi cao cả và ý nghĩa hơn nhiều kiếp sống phù du tạm bợ này.
Những tháng ngày học hỏi giáo lý Phật Pháp, cậu đã thấm thía được nhiều minh triết quý giá. Nhìn lại cuộc đời, cậu đã nhìn thấu những vấn đề mà không phải ai cũng có thể nhìn ra.
Sống một đời người, hầu hết ai cũng dồn tâm huyết lo kiếm thật nhiều tiền, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, tìm kiếm danh lợi, mong muốn hưởng thụ thật nhiều, tích lũy cho thật nhiều, có rồi thì muốn có nữa. Rồi tới khi chết, mọi thứ có được cũng biến mất hoàn toàn, trở về con số 0 tròn trĩnh.
Mà thường người ta làm việc thiện thì ít, tạo nghiệp thì nhiều. Nghiệp chướng một đời tích tụ, đến khi chết phải đọa lạc chịu dày vò khốn khổ ở những cõi giới đau khổ như địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nếu sống như vậy, thì kiếp người chẳng qua chỉ là bàn đạp để nhảy vào hố sâu của quả báo thống khổ mà thôi, chứ nào có ý nghĩa gì.
Ngược lại, nếu chúng ta biết tận dụng kiếp người để lo sửa đổi, tu tập, hành thiện, tích lũy công đức nguyện khi hết kiếp này được vãng sinh Cực Lạc thì mới không uổng phí một đời. Vì khi vãng sinh Cực Lạc, nương theo nguyện lực của Phật A Di Đà, chúng ta được thoát luân hồi sinh tử, an vui mãi mãi, tuổi thọ vô lượng, thẳng tiến tu hành cho tới khi thành Phật.
Từ hàng ngàn năm qua, Phật Pháp vẫn cứ mở cửa, kinh sách vẫn còn đó, sẵn lòng dạy bảo, khai mở tri kiến cho mọi người hiểu được điều này. Ấy nhưng có mấy ai lĩnh hội được ? Cửa chùa có thể đông người lui tới, xong chủ yếu để khấn vái xin tài lộc, xin may mắn, xin phù hộ độ trì, xin đủ thứ lặt vặt thế gian. Nhưng lại hiếm người biết đến xin thứ quý giá nhất là kho báu trí tuệ của Phật, lật giở kinh sách, nghiền ngẫm để Phật Pháp soi lối cho cuộc đời biết nên đi đâu về đâu. Thật đáng tiếc.
Mọi người trong gia đình Thiện Căn cũng vậy, mặc dù chứng kiến sự thay đổi thần kì về sức khỏe và tinh thần của con trai, nhưng họ vẫn nửa tin nửa ngờ. Dù cậu cũng có giải thích xong cha mẹ cậu cũng chẳng bận tâm nhiều, chỉ dừng lại ở việc ủng hộ cậu, không phản đối. Đối với họ, cậu khỏe lên là họ mừng lắm rồi, còn lại mọi thứ trong thế giới vô hình… thôi để khi nào chết thì tính.
Nhờ công đức niệm Phật, trong suốt ba năm các tế bào ung thư đã “ngủ quên” để Thiện Căn có thời gian tu tập, tích lũy công đức. Tới đầu tháng 7 (âm lịch) năm 2015, bệnh tình của cậu đột nhiên trở nặng, phải vào bệnh viện theo dõi. Hai tuần sau, có một cục hạch nổi trên cổ làm cậu không thể thở bình thường, cần sự hỗ trợ can thiệp của máy móc.
Các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hạch. Sau ca mổ, cậu rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh. Cả gia đình lo lắng không nguôi, đi đi lại lại trong hành lang bệnh viện, nét mặt cha mẹ cậu căng thẳng, sợ rằng con mình vĩnh viễn không tỉnh lại được nữa. Họ chẳng biết phải làm gì, cuối cùng lựa chọn tha thiết niệm Phật, nguyện xin Đức Phật từ bi gia hộ cho con trai.
Ngày 24/7/2015 âm lịch, Thiện Căn tỉnh lại sau ba ngày hôn mê trên giường bệnh. Ngón tay cậu bắt đầu cử động, đôi mắt khẽ mở dần lên, tuy nhiên chân tay còn yếu, chỉ có thể nằm trên giường. Sang ngày hôm sau cậu mới nói chuyện được với người thân.
Cậu khẽ quay đầu sang phía cha mẹ, đưa tay lần lần nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của mẹ, nói một cách chậm rãi:
– Con đã ngủ ba ngày. Trong ba ngày vừa rồi, con đi khắp cảnh địa ngục đầy chết chóc, khóc than, khủng khiếp lắm. Trong ba ngày đó con niệm Phật rất nhiều. Con nghe được Đức Phật A Di Đà nói với con: “Con về đi. Muốn theo đạo pháp của ta, gắng niệm Phật ba ngày nữa theo ta”.
Ba mẹ hãy cố gắng niệm Phật. Thế giới Ta Bà này muôn ngàn cảnh khổ, giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ, trong cái vui cũng có nỗi khổ. Còn cảnh giới Tây Phương thì ngược lại, hoàn toàn không có khổ. Mọi người đừng buồn nữa, đừng đau lòng. Con về với Đức Phật là an lạc lắm, không thống khổ như bây giờ. Mọi thứ trên thế gian đều là ảo, là tạp niệm. Đừng tham, sân, si, hãy cố gắng sống tốt và luôn niệm Phật. Duyên phận của chúng ta tới đây thôi, tất cả đều là vô thường. Con có duyên làm con của ba mẹ kiếp này, nay thời hạn đã tận, con phải đi rồi.
Nói xong, Thiện Căn nhờ cha mẹ làm thủ tục cho cậu xuất viện về nhà, cậu không tiếp tục chữa bệnh nữa. Giờ cậu chỉ chuyên tâm niệm Phật và thỉnh mời ban trợ niệm hộ niệm lúc lâm chung cho cậu.
Sáng ngày 8 tháng 9 năm 2015 (nhằm ngày 26 tháng 7 năm 2015 âm lịch), tinh thần Thiện Căn rất tốt, tự mình tắm rửa sạch sẽ, vận bộ đồ lam giản dị, phấn khởi vui mừng nói:
– Con đi theo Phật, ba mẹ nhớ giác ngộ, không sát sanh hại vật nữa nhé. Mọi người gắng niệm Phật, đừng có buồn. Niệm Phật về Tây Phương mới không còn thống khổ!
Trên trần đời này có mấy ai lại phấn khởi để ra đi như thế, chắc chỉ có những người biết chắc chắn mình sẽ vãng sinh mà thôi. Nói xong cậu cùng gia đình ăn bữa cơm cuối.
Sau đó, Thiện Căn đánh răng sạch sẽ, ngồi tĩnh tọa niệm Phật. Một lát sau thì ban trợ niệm tới niệm Phật cùng cậu, khắp nơi trong nhà ngoài ngõ rền vang tiếng niệm Phật không ngừng nghỉ. Đến 1h trưa cùng ngày, Thiện Căn chủ động nằm xuống giường, chắp tay, mỉm cười và niệm Phật đến khi trút hơi thở cuối cùng, từ bỏ cõi hồng trần đầy đau khổ, được Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc.
Khi ấy có một hương thơm rất lạ vây quanh khu vực nơi cậu vãng sanh suốt mấy ngày liền. Ai ngửi hương thơm ấy đều cảm thấy tâm được an lạc thư thái.
Hình ảnh Thiện Căn ra đi đầy mãn nguyện và an lành chính là ấn tượng sâu sắc đối với gia đình cậu. Sự đau buồn vơi đi phần nào, lắng đọng lại trong lòng cha mẹ và em gái Thiện Căn chính là lời căn dặn của cậu về cõi Cực Lạc.
Tang lễ của cậu được cử hành thuần theo nghi thức Phật giáo, không có tiếng kèn trống, tiếng nhạc, tiếng khóc than theo tục lệ thường tình. Tất cả thực phẩm dâng cúng hay mời khách trong đám tang đều là đồ chay, không hề có máu thịt chúng sinh. Chẳng những không sát sinh, gia đình còn phóng sinh để hồi hướng thêm công đức cho cậu.
Thay cho tiếng than khóc ảo não là tiếng niệm Phật vang rền không ngừng nghỉ của ban trợ niệm, là hành trang quý giá nhất đưa cậu về cõi Tịnh. Sau 24 giờ trợ niệm không mỏi mệt, mọi người mới bắt đầu tắm rửa và thay quần áo cho thi hài, thấy thân thể cậu mềm mại như đang ngủ, sắc mặt hồng hào, thoại tướng đẹp đẽ vô cùng, không có giống người vừa mới chết.
Tang lễ kết thúc, vào lúc 1h trưa ngày 28 tháng 7 năm 2015 âm lịch, thi hài của cậu được đem đi hỏa táng. Tới 3h chiều, người thân và quý sư tiến hành nhặt tro cốt, bỗng có người thốt lên :
– Ôi! Xá lợi của Thiện Căn. Xá lợi này cả nhà ơi.
Nghe thấy xá lợi, tất cả mọi người ở quanh đó đều ùa đến bên hũ tro cốt để xác minh. Họ nhìn thấy trong đó những viên ngọc nhiều màu sắc: nào viên màu xanh lá, màu trắng sữa, màu đỏ, màu vàng kim rất đẹp. Điều đó khiến gia đình Thiện Căn vô cùng hoan hỷ.
Vậy là sau bao nhiêu cố gắng, bền bỉ, kiên trì, tinh tấn ngày đêm trong suốt ba năm, nay Thiện Căn đã được thành tựu viên mãn. Sau chuỗi dài những kiếp sống luân hồi từ vô thủy, cuối cùng Thiện Căn đã được trở về quê hương Cực Lạc, vĩnh viễn giải thoát an vui, từ đó về sau thẳng tiến tu hành cho tới khi đạt được Phật quả.
Những viên xá lợi cậu để lại làm minh chứng cho đời, được gia đình trân quý, đem về đặt trên bàn thờ một cách trịnh trọng, mỗi ngày đều chiêm ngưỡng và lễ bái.
Lúc đầu xá lợi của cậu có hình thon dài với nhiều màu sắc, nhưng sau một thời gian xá lợi dần chuyển thành hình tròn và to đẹp hơn lúc ban đầu. Càng thờ thì màu sắc xá lợi càng trong và sáng. Màu sắc cũng thay đổi thành màu xanh biếc, màu hồng và màu thủy tinh trong suốt lấp lánh.
Vào một đêm nọ, khi nhà bị mất điện, màn đêm bao phủ khắp không gian, đột nhiên có ánh sáng màu xanh phát ra từ phía ban thờ của Thiện Căn. Người nhà thấy lạ liền tới xem thì mới biết ánh sáng đó chính là từ những viên xá lợi của cậu phát ra. Về sau, gia đình càng thành tâm niệm Phật lạy Phật thì những viên xá lợi lại càng tỏa ánh sáng rực rỡ. Thật là màu nhiệm.
Một tuần sau lễ tang, trong một giấc mơ, em gái Thiện Căn thấy cậu trở về gặp cô, toàn thân cậu phát ra ánh sáng màu vàng ròng, trên thân cậu khoác chiếc áo cũng màu vàng ròng rạng rỡ. Thiện Căn khi đó đang đứng trên một tòa sen tỏa ánh sáng lung linh đẹp đẽ vô cùng, vẻ mặt toát lên sự an nhiên tự tại, miệng khẽ mỉm cười, nhìn về phía em gái mà nói:
– Em cố gắng chăm sóc cha mẹ. Đừng buồn nữa, anh đến “quê nhà” rồi. Cảnh giới Tây Phương Cực Lạc là một nơi hết sức an lạc. Mình phải thành tâm niệm Phật, khẩn thiết niệm Phật mới về được Tịnh Độ. Nơi Đức Phật A Di Đà không có cảnh khổ. Lúc nào cũng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, tới lúc lâm chung sẽ thấy Phật A Di Đà. Gắng niệm Phật và đừng có sân, si, buồn rầu nữa em nhé.
Rồi nguồn ánh sáng vừa rạng rỡ vừa dịu mát ấy từ từ biến mất trong không gian. Khi tỉnh lại, em gái Thiện Căn thấy thân tâm an lạc. Cô chạy vội xuống dưới nhà, lay lay cho cha mẹ tỉnh dậy để kể về giấc mơ của mình.
– Ba mẹ ơi, dậy đi con kể cho nghe, con vừa mơ thấy anh Hai đã vãng sinh rồi. anh đẹp lắm, cha mẹ đừng buồn nữa, nên vui mới phải.
Nghe con gái kể lại toàn bộ giấc mơ, cha mẹ Thiện Căn trong lòng vui mừng khó tả. Nỗi buồn mất con dần được thay thế bằng niềm phấn khởi, vì con trai nay chắc chắn đã được về nơi an lạc, vui sướng gấp vô vàn lần cuộc sống thế gian này.
Kể từ đó, họ tin tưởng hoàn toàn vào cõi Tây Phương và Đức Phật A Di Đà. Như đã hứa với Thiện Căn, cha mẹ cậu từ bỏ sát sinh hại vật, chuyển sang bán cơm chay, sống đời hiền lành lương thiện. Ngày ngày một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” tinh tấn niệm quanh năm suốt tháng, cầu vãng sinh Cực Lạc.
Từ một gia đình không biết gì về đạo Phật, không hiểu gì về pháp môn Tịnh Độ, nhờ những thành tựu mình có được, Thiện Căn đã đưa ba mẹ và người em gái của mình về sống an vui trong ánh sáng Phật Pháp.
Là con người, sinh ra trên cuộc đời này, đều phải chịu sinh- già- bệnh- chết, cộng thêm vô vàn nỗi khổ khác không nói hết được. Cuộc hành trình sống của chúng ta chính là liên tục tìm cách thoát khổ và vươn tới hạnh phúc. Thế nhưng do trí tuệ phàm phu nhỏ hẹp nông cạn, nên dù vật lộn mãi vẫn không thoát hẳn khỏi khổ đau, chưa thể tìm thấy đâu là hạnh phúc vĩnh hằng.
Là đấng giác ngộ hoàn toàn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhìn thấu suốt vũ trụ, vì thương xót đã chỉ dạy cho chúng ta rất nhiều con đường, cách thức, pháp môn để thoát khổ. Pháp môn Tịnh Độ chính là một trong số đó, đặc biệt là pháp môn này rất phù hợp với căn tánh chúng sinh thời mạt pháp hiện nay, dễ tu, dễ thành tựu.
Trên thực tế, từ xưa đến nay đã có rất nhiều trường hợp tu theo Tịnh Độ mà được vãng sinh Cực Lạc, để lại xá lợi cùng nhiều thoại tướng vô cùng thù thắng, là bằng chứng hùng hồn về sự chân thật trong lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, cũng như sự tồn tại của Đức Phật A Di Đà cùng cõi Tây Phương Cực Lạc. Một lần nữa câu chuyện của cư sĩ Thiện Căn đã xác quyết điều này, để những ai có duyên với Tịnh Độ càng thêm vững vàng đạo tâm, tinh tấn tu hành để một ngày không xa, đến lượt mình vãng sinh về với Phật.
(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Diệu Âm Ngọc Duyên)