Sự im lặng của người tốt
“Tất cả những gì cần thiết để cái ác chiến thắng chính là những người tốt không làm gì cả.” – Edmund Burke.
Khi những điều tồi tệ, xấu xa lan tràn trên xã hội này, tội lỗi dễ dàng được đổ lên đầu những thủ phạm trực tiếp, pháp luật bắt chúng vào tù, báo chí, công chúng lên án gay gắt. Nhưng liệu tất cả trách nhiệm đều do những thủ phạm đó ?
Chúng ta cần hỏi thêm một câu nữa để nhìn ra vấn đề:
– Vậy khi cái ác lây lan, những người tốt đã làm gì?
– Tại sao người tốt không lây lan cái thiện ra khắp xã hội một cách nhiệt tình như những kẻ xấu lây lan cái ác ?
Thực tế đáng buồn là hầu hết những người vẫn “tự cho mình là người tốt”, tự xếp mình vào hàng ngũ những người “thiện”, đã im lặng, không làm gì cả. Họ có thể có một vài động thái hời hợt, như thở dài, buông vài câu than vãn, khấn vài câu nguyện, nhưng chung quy, vẫn là mặc kệ cuộc đời.
Có lẽ, ta cần gọi họ bằng một cái tên chính xác, đó không phải người tốt, mà là một “người bàng quan”. Họ có thể không làm điều gì xấu ác cả (vậy nên họ thường nghĩ mình cũng là người tốt) họ chỉ đơn giản là IM LẶNG.
Đối trước cái bất thiện, họ không đấu tranh, không cố sửa chữa, cũng không có động thái gì giúp sức cho cái thiện phát triển.
“Người tốt năng động” khác biệt như thế nào ?
Còn một người tốt thực sự, họ khác, họ sẽ hành động. Rất ít, nhưng cuộc đời vẫn luôn tồn tại những “người tốt năng động”, sẵn sàng làm một điều gì đó. Hoặc nhiệt tình làm những việc thiện, hoặc đấu tranh với cái ác, hoặc giúp mọi người sửa chữa lỗi lầm, hoặc chung tay với nhau lan tỏa cái thiện ra khắp xã hội.
Nhưng thực tế, người tốt thường gặp nhiều khó khăn, vì họ thường luôn là thiểu số. Họ thường lẻ loi khi làm những việc thiện, thậm chí còn bị người đời mỉa mai, nhìn như những người bao đồng lập dị. Hoặc họ gặp phải sự thờ ơ của mọi người xung quanh, qua thời gian dài, họ bị mất tinh thần vì không có ai ủng hộ.
Vấn đề đáng lo ngại, đó là hiện nay, số người bàng quan chiếm một tỉ lệ đông đảo trong xã hội. Họ không nhận ra sự im lặng của mình tiềm tàng rất nhiều mối nguy hại. Hãy cùng Quang Tử phân tích thêm điều này.
1- “Bật đèn xanh” cho cái xấu.
Khi những việc xấu diễn ra không bị cản trở, nó có xu hướng lan rộng và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trong tâm lý học, có một lý thuyết tên là “Ô cửa sổ vỡ” do hai nhà khoa học xã hội James Q. Wilson và George L. Kelling chủ thuyết, nó mô tả rằng, khi một cửa kính bị đập vỡ, không ai sửa chữa, đông người qua lại nhìn thấy không có động thái gì, thì cả cộng đồng sẽ dần chấp nhận việc đập vỡ cửa kính là bình thường. Điều đó khiến cho những kẻ thích đập phá gia tăng đập vỡ nhiều cửa kính khác.
Nếu cộng đồng vẫn không có phản ứng gì, các việc xấu khác sẽ dần gia tăng, vì những kẻ xấu cho rằng dù có làm gì thì cũng không bị phạt hay làm sao cả.
2- Lan truyền sự vô cảm
Khi sự thờ ơ, lạnh nhạt diễn ra trên diện rộng, bất kể lí do bên trong mỗi người là gì, thì theo “Hiệu ứng đám đông”, cộng đồng dần mặc định sự thờ ơ là điều hiển nhiên, và ngày càng gia tăng số lượng người vô cảm, mặc kệ đời tốt xấu, miễn không liên quan đến mình. Bạn muốn sống trong một thế giới vô cảm, lạnh lùng như thế chứ ?
3- Lụi tàn những điều tốt đẹp
Cả hai điều trên khi được duy trì trên diện rộng, thì những điều tốt đẹp của cuộc sống sẽ bị tàn phá và dần thui chột. Vì người tốt bị đuối sức trước cuộc đua với cái xấu. Không có ai tiếp lửa, ủng hộ, giúp sức khiến những việc thiện đành phải bỏ dở, không thể duy trì. Ngược lại, những việc xấu thì lan tràn, vì thật kỳ lạ, người xấu thường rất nhiệt tình trong việc cổ vũ nhau, đã vậy lại ít gặp cản trở vì xung quanh đa số là người bàng quan.
Thực tế đã chứng minh điều này.
Những tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, hành hung… nhiều khi diễn ra công khai tại khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, người dân có thấy cũng kệ, chỉ đến khi sự vụ nghiêm trọng lắm thì người ta mới báo cảnh sát. Và thế là tệ nạn có cơ hội để phát triển đến mức cảnh sát có nỗ lực bắt cũng không xuể.
Giang hồ mạng thì lên Youtube dạy đời, được hàng vạn người tung hô, cổ xúy. Nhưng nhiều gương người tốt, việc tốt thì thường bị chìm nghỉm vì chẳng mấy ai quan tâm.
Trên mạng xã hội, những thông tin tiêu cực hoặc nhảm nhí, vô nghĩa đánh vào thị hiếu thấp hèn, thì rất đông người tương tác, bình luận giúp thuật toán Facebook đẩy mạnh hiển thị nhiều hơn. Còn những nội dung mang ý nghĩa, mang lợi ích cho mọi người thì thường ít được quan tâm, lượng tương tác thấp, nhanh chóng chìm nghỉm và biến mất. Còn rất nhiều, nếu bạn quan sát sẽ dễ dàng tìm thấy.
Kết
Không ai sinh ra đã được cố định là người tốt, kẻ xấu hay người bàng quan cả. Tất cả là do lựa chọn của mỗi người trong từng khoảnh khắc. Quang Tử mong rằng khi đọc bài viết, bạn sẽ dành một vài phút suy ngẫm, để quyết định mình sẽ là ai trong xã hội này.
Hãy nhớ rằng, sự im lặng không phải là vô hại. Trong một thế giới đầy rẫy những điều xấu, chính hành động dù nhỏ nhất của bạn cũng có thể giữ lại ánh sáng của cái thiện. Giúp đỡ ai đó qua khó khăn, lên một kế hoạch từ thiện công phu, hay ủng hộ, cổ vũ cho những người khác hành thiện, dù nhỏ hay lớn, tất cả đều đáng quý. Hãy để cuộc sống của bạn là ngọn nến thắp lên hy vọng, thay vì một bóng tối lặng im.
Thế giới nơi bạn đang sống cần tiếng nói và hành động của bạn. Hãy bắt đầu từ ngày hôm nay.
(Quang Tử)
-
Mỗi bài viết là một ngọn đèn nhỏ, mong soi sáng phần nào trên hành trình tu học của bạn. Để những ngọn đèn ấy không ngừng cháy sáng, lan tỏa ánh sáng Phật Pháp đến khắp mọi nơi là tâm nguyện của chúng tôi, nhưng để hành trình này được bền bỉ, chúng tôi rất cần sự chung tay của bạn.
Nếu nhận thấy những bài viết này mang lại lợi ích cho bạn, cũng như nhiều người khác, xin hãy đồng hành cùng chúng tôi bằng cách ủng hộ kinh phí để duy trì hoạt động hoằng pháp.
Mọi đóng góp xin gửi về STK Vietcombank: 0081001314166 (Dinh Bao Trung)
Dù nhỏ bé hay lớn lao, sự sẻ chia của bạn đều là động lực quý giá để chúng tôi tiếp tục hành trình ý nghĩa này. Chân thành tri ân!
Xem thêm:
Bài học thành công từ cây tre – P1
Xem thêm các bài viết trên Fanpage Quang Tử: