LATEST ARTICLES
RA MẮT SÁCH “THẤU HIỂU LUẬT VŨ TRỤ”
CHUỘT LẠY PHẬT CẦU VÃNG SINH
NIỆM PHẬT HAI NĂM, BIẾT TRƯỚC NGÀY GIỜ VÃNG SINH.
CHUYỆN LUÂN HỒI CỦA TRẦN TIỂU HÚC
SÁM HỐI NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ ?
VẤN ĐỀ CẦN ĐIỀU CHỈNH
Sám hối là một nghi thức cực kỳ phổ biến trong Phật Giáo, không chỉ thế, nó cũng phổ biến với nhiều tôn giáo khác. Không ai bàn cãi về việc có nên sám hối hay không, bởi vì việc này mang ý nghĩa và tầm quan trọng quá hiển nhiên. Con người chúng ta không phải Thánh, nên không có hoàn hảo, cuộc sống không thể tránh khỏi những lần lầm lỗi. Để hoàn thiện mình, mỗi người chúng ta cần không ngừng nhận ra những lầm lỗi ấy, hối hận và sửa chữa, khắc phục chúng. Chưa cần đến một bộ óc minh triết cao siêu, chỉ cần là người có lương tri và hiểu biết tương đối, ai trong chúng ta cũng hiểu được điều này. Chúng ta lại càng hiểu rõ hơn về tầm mức quan trọng của sự hối hận khi xem xét trên quy luật Nhân quả. Nó giúp làm tiêu trừ nghiệp chướng, giảm thiểu những hậu quả thống khổ của quả báo, thanh lọc tâm hồn, hướng đến sự toàn thiện. Với giá trị to lớn như vậy, rất nhiều hình thức sám hối khác nhau đã được ra đời, và dần quy chuẩn hóa thành những Nghi thức khuôn mẫu, dài có, ngắn có, đơn giản có, phức tạp có. Tất nhiên, càng dài, càng phức tạp thì mức độ hiệu quả càng tăng lên, có thể kể đến như Từ Bi Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, phẩm Sám Hối trích trong kinh Kim Quang Minh…. Những Nghi thức ấy hỗ trợ rất lớn, giúp cho mọi người biết đâu là lỗi sai cần phải sám hối, đồng thời bổ sung thêm nhiều phương pháp giúp việc sám hối hiệu quả hơn, như lạy Phật, phát nguyện chừa bỏ lỗi lầm… Thông thường, để sám hối, mọi người cầm Nghi thức lên và đọc theo, có thể đọc một mình hoặc tham gia đọc cùng một hội chúng đông người. Và đáng lý đến đây mọi việc đã trở nên hoàn hảo, nếu như không phát sinh một vấn đề, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của việc sám hối. Đó là mọi người thường sa đà vào hình thức bề ngoài của các Nghi thức đó, biểu hiện thường thấy, đó là người sám hối thường tập trung vào việc đọc sao cho trôi chảy một lèo từ đầu đến cuối. Điều này đặc biệt đúng trong một hội chúng đông đảo, ai nấy lo đọc cho kịp với nhịp độ của mọi người sao cho đều, to, rõ ràng. Kết thúc, mọi người gập cuốn Nghi thức sám hối lại, và cho rằng thế là đã hoàn thành việc sám hối. Nhưng thật ra, đáng lý sẽ còn hiệu quả hơn nhiều nếu mọi người hiểu được rằng: sám hối vốn là việc của nội tâm bên trong, chứ không phải việc phát âm ngoài môi lưỡi. Vì đọc quá nhanh và tập trung vào sự trôi chảy, tâm ý người sám hối không kịp có thời gian để lục lọi ký ức, liên hệ tới những việc làm sai trái mà bản thân đã làm, chưa kịp khởi lên những ý niệm ăn năn, hối hận. Con người chúng ta thường thích cho rằng bản thân mình đúng, và rất khó chịu khi nhận rằng mình sai. Dù rằng nhiều khi cái sai rõ mồn mồn khi soi xét bằng lý trí, nhưng tâm lý, tình cảm thì vẫn cứ ra sức bênh vực cho chính mình với đủ thứ lí lẽ vòng vèo, ngụy biện mà nó nghĩ ra được. Thậm chí đến khi đuối lý, người ta sẽ phản ứng bằng cách: phớt lờ, xóa bỏ tội lỗi bằng cách quên béng chúng đi. Vì vậy, việc nhận ra cái sai của mình chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Sau đó, dám thừa nhận và đối diện với cái sai của mình, để ăn năn, hối hận, lại khó thêm một bậc. Phải là người rất dũng cảm, dám đối diện với bản ngã chính mình để hoàn thành hai việc khó đó, thì sự sám hối mới được coi là viên mãn, có hiệu quả thực sự. Với một người chưa được chuẩn bị sẵn sàng từ trước, cứ thế đọc Nghi thức làu làu và mong sám hối một cách hiệu quả được, e rằng vô cùng khó. Giải pháp cho vấn đề này, đó là cần có sự đầu tư, chăm chút tỉ mỉ, tuần tự theo từng bước hợp lý. Dưới đây là Quang Tử xin giới thiệu một phương thức hiệu quả mà bạn có thể áp dụng. (Lưu ý, đây chỉ là một trong rất nhiều cách sám hối, bạn có thể áp dụng theo hoàn toàn, cũng có thể biến tấu, thêm hay bớt nội dung theo cách mà bạn cho là hợp lý). Đầu tiên, người sám hối cần phải nhận ra được mình sai ở đâu. Để làm được điều này, cần phải đối chiếu với giáo lý để biết được những việc nào là sai lầm, dẫn đến những quả báo đau khổ. Nếu bạn chưa biết chọn cuốn kinh sách nào làm tiêu chuẩn để đối chiếu, tôi xin giới thiệu cuốn Từ Bi Thủy Sám do ngài Ngộ Đạt Quốc Sư soạn vào thời Đường. Đây là một nghi thức sám hối rất nổi tiếng, tuy không dài như Lương Hoàng Sám, nhưng lại liệt kê rất chi tiết những tội lỗi lớn nhỏ khác nhau một cách rõ ràng. Từ Bi Thủy Sám chia làm 3 phần (quyển Thượng – Trung – Hạ), trong đó phần đầu (quyển Thượng) khá khó hiểu, mang tính chuyên sâu, bạn có thể bỏ qua và đọc thẳng vào từ quyển Trung cho đến hết. Hãy chọn một nơi yên tĩnh, đọc một cách chậm rãi, vừa đọc vừa liên hệ, hồi tưởng lại những lần bản thân mình đã làm sai trong quá khứ, sau đó ghi lại vào một cuốn sổ (bạn có thể giấu kín cuốn sổ đó chỉ mình bạn biết). Quá trình này có thể tốn thời gian rất lâu, và cũng không dễ chịu gì khi liên tục phải đối mặt với mặt tối của chính mình, điều đó đòi hỏi rất nhiều sự dũng cảm. Hãy cố gắng, vì đây sẽ là một bước tiến dài trong sự trưởng thành của chính bạn. Qua từng dòng chữ trong sổ, các sai lầm sẽ hiện lên rõ ràng, giúp bạn biết phải sám hối những gì, không lo bị bỏ sót vì quên lãng. Tiếp theo, bạn chọn một thời điểm phù hợp để sám hối. Nên chọn nơi có bàn thờ Phật để có được một không gian trang nghiêm, và có thể kết hợp với lạy Phật. Tuy nhiên nếu không có thì không cần câu nệ, tìm một nơi yên tĩnh không bị làm phiền là được rồi. Quỳ, hoặc ngồi ngay ngắn, đọc theo Nghi thức sám hối sau một cách thong thả, để tâm ý có thể hòa vào từng câu chữ, hiểu rõ từng nghĩa lý trong đó. Nghi thức này bao gồm việc niệm danh hiệu của nhiều vị Phật – Bồ Tát, kết hợp với tụng chú Đại Bi và Diệt Định Nghiệp Đà Ra Ni, để có được sự chứng minh từ mười phương chư Phật – Bồ Tát, dựa vào công năng của thần chú làm tiêu trừ nghiệp chướng mạnh mẽ hơn nhiều lần. Phần sám hối trích từ kinh Kim Quang Minh do chính Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, ngắn gọn nhưng súc tích, bao hàm sâu xa. Đồng thời bổ sung thêm phần phát nguyện giữ giới, từ bỏ lỗi lầm để Nguyện lực định hướng cho tương lai một cách tự động.__________________
NGHI THỨC SÁM HỐI
Cúi đầu lạy Đức Như Lai
Mười phương Pháp giới không ai sánh bằng.
Pháp thân thường trụ vĩnh hằng.
Hóa thân vô lượng nhọc nhằn độ sinh.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật!
Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật!
Nam Mô Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai !
Nam Mô Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai !
Nam Mô Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai !
Nam Mô Đa Bảo Như Lai !
Nam Mô Ly Bố Úy Như Lai !
Nam Mô Diệu Sắc Thân Như Lai !
Nam Mô Quảng Bác Thân Như Lai !
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát !
Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát !
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát !
Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát !
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát !
Nam Mô Đương Lai Thế Tôn Di Lặc Bồ Tát !
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo !
__________________
CHÚ ĐẠI BI
NAM MÔ Ðại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần)
THIÊN THỦ THIÊN NHÃN VÔ NGẠI ĐẠI BI TÂM ĐÀ RA NI
NAM MÔ HẮC RA ĐÁT NA, ĐA RA DẠ DA. NAM MÔ A RỊ DA, BÀ LÔ YẾT ĐẾ, THƯỚC BÁT RA DA,
BỒ-ĐỀ TÁT ĐỎA BÀ DA, MA HA TÁT ĐỎA BÀ DA, MA HA CA LÔ NI CA DA. ÁN, TÁT BÀN RA PHẠT DUỆ SỐ ĐÁT NA ĐÁT TỎA.
NAM MÔ TẤT KIẾT LẬT ĐỎA Y MÔNG A RỊ DA, BÀ LÔ KIẾT ĐẾ THẤT PHẬT RA LĂNG ĐÀ BÀ.
NAM MÔ NA RA CẨN TRÌ. HÊ RỊ MA HA BÀN ĐA SA MẾ, TÁT BÀ A THA ĐẬU DU BẰNG,
A THỆ DỰNG, TÁT BÀ TÁT ĐA. NA MA BÀ TÁT ĐA, NA MA BÀ GIÀ, MA PHẠT ĐẠT ĐẬU, ĐÁT ĐIỆT THA.
ÁN A BÀ LÔ HÊ, LÔ CA ĐẾ, CA RA ĐẾ, DI HÊ RỊ, MA HA BỒ-ĐỀ TÁT ĐỎA, TÁT BÀ TÁT BÀ, MA RA MA RA, MA HÊ MA HÊ, RỊ ĐÀ DỰNG,
CU LÔ CU LÔ KIẾT MÔNG, ĐỘ LÔ ĐỘ LÔ, PHẠT XÀ DA ĐẾ, MA HA PHẠT XÀ DA ĐẾ, ĐÀ RA ĐÀ RA, ĐỊA RỊ NI, THẤT PHẬT RA DA, DÁ RA DÁ RA.
MẠ MẠ PHẠT MA RA, MỤC ĐẾ LỆ, Y HÊ Y HÊ, THẤT NA THẤT NA. A RA SÂM PHẬT RA XÁ-LỢI, PHẠT SA PHẠT SÂM, PHẬT RA XÁ DA.
HÔ LÔ HÔ LÔ MA RA, HÔ LÔ HÔ LÔ HÊ RỊ, TA RA TA RA, TẤT RỊ TẤT RỊ, TÔ RÔ TÔ RÔ, BỒ-ĐỀ DẠ,
BỒ-ĐỀ DẠ, BỒ-ĐÀ DẠ, BỒ-ĐÀ DẠ, DI ĐẾ RỊ DẠ, NA RA CẨN TRÌ ĐỊA RỊ SẮC NI NA,
BA DẠ MA NA, TA BÀ HA. TẤT ĐÀ DẠ, TA BÀ HA. MA HA TẤT ĐÀ DẠ, TA BÀ HA.
TẤT ĐÀ DU NGHỆ THẤT BÀN RA DẠ, TA BÀ HA. NA RA CẨN TRÌ, TA BÀ HA.
MA RA NA RA, TA BÀ HA.
TẤT RA TĂNG A MỤC KHÊ DA, TA BÀ HA. TA BÀ MA HA, A TẤT ĐÀ DẠ, TA BÀ HA.
GIẢ KIẾT RA A TẤT ĐÀ DẠ, TA BÀ HA. BA ĐÀ MA KIẾT TẤT ĐÀ DẠ, TA BÀ HA. NA RA CẨN TRÌ BÀN ĐÀ RA DẠ, TA BÀ HA.
MA BÀ RỊ THẮNG YẾT RA DẠ, TA BÀ HA.
NAM MÔ HẮC RA ĐÁT NA, ĐA RA DẠ DA. NAM MÔ A RỊ DA, BÀ LÔ YẾT ĐẾ, THƯỚC BÀN RA DẠ, TA BÀ HA.
ÁN TẤT ĐIỆN ĐÔ, MẠN ĐA RA, BẠT ĐÀ DẠ, TA BÀ HA. (3 lần)
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát !
SÁM HỐI PHỔ QUÁT
(Trích kinh Kim Quang Minh, phẩm Diệt Trừ Nghiệp Chướng – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ bày phương thức sám hối)
“…Con xin quy mạng kính lạy chư vị Thế Tôn hiện tại mười phương, những đấng đã chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp nhiệm mầu, bánh xe chánh pháp chói sáng, mưa nước Pháp vĩ Đại, gióng trống Pháp vĩ Đại, thổi loa Pháp vĩ Đại, dựng cờ Pháp vĩ Đại, cầm đuốc Pháp vĩ Đại, vì lợi ích yên vui cho chúng sinh mà thường thực thi pháp thí, dạy dỗ cho những kẻ mê mờ bước tới, làm cho họ được quả báo vĩ đại, thường lạc. Chư vị Thế Tôn như vậy, con xin đem cả thân miệng ý mà cúi đầu quy mạng kính lạy. Chư vị Thế Tôn như vậy đem tuệ giác chân thật, con mắt chân thật, sự chứng minh chân thật, sự bình đẳng chân thật, mà biết hết, thấy hết thiện nghiệp, ác nghiệp của chúng sinh. Từ vô thủy đến giờ, con xuôi theo dòng nước tội ác mà cùng chúng sinh tạo ra nghiệp chướng, bị tham sân si buộc chặt. Khi chưa biết Phật, khi chưa biết Pháp, khi chưa biết Tăng, khi chưa biết thiện – ác, thì con do thân miệng ý mà làm năm tội vô gián: là ác tâm làm chảy máu thân Phật, phỉ báng Phật Pháp, phá Tăng hòa hợp, hại A La Hán, hại cha hại mẹ. Con do thân ba ( sát sinh, trộm cắp, tà dâm ), miệng bốn ( nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác), ý ba ( tham, sân, si) mà làm mười ác nghiệp, bằng cách tự làm, bảo người làm, thấy người làm mà mừng theo. Đối với người hiền, con phỉ báng ngang ngược, dụng cụ cân lường thì dối trá, cho tà là chánh, đem ẩm thực phẩm xấu mà cho người; đối với cha mẹ nhiều đời ở trong sáu đường thì con tàn hại; đối với tài vật của Tháp, của Tăng bốn phương, của Tăng hiện diện, con trộm cướp, tự do sử dụng; đối với giới pháp và giáo pháp của đức Thế Tôn, con không thích tuân thủ phụng hành, sư trưởng huấn dụ cũng không thuận theo, thấy ai đi theo cỗ xe Thanh Văn, cỗ xe Độc Giác, cỗ xe Đại Thừa, thì con nhục mạ, quấy phá. Thấy ai hơn mình, con liền ganh ghét, pháp thí, tài thí con tiếc lẫn cả, con để vô minh ngăn che, tà kiến mê hoặc, con không tu nhân lành mà lại tăng thêm nhân ác. Con phỉ báng đến cả chư vị Thế Tôn, pháp thì con nói là phi pháp, phi pháp thì con nói là pháp .v.v… Bao nhiêu tội lỗi như vậy, chư vị Thế Tôn đem tuệ giác chân thật, con mắt chân thật, sự chứng minh chân thật, sự bình đẳng chân thật, mà biết hết, thấy hết, nên ngày nay con xin quy mạng kính lạy. Đối trước chư vị Thế Tôn, con không dám che giấu. Tội chưa làm thì con không dám làm, tội đã làm thì con xin sám hối. Những nghiệp chướng đáng sa vào sáu đường tám nạn mà con đã làm, những nghiệp chướng mà hiện con đang làm, con nguyện được tiêu diệt cả. Những báo chướng của những nghiệp chướng ấy, con nguyện vị lai khỏi phải lãnh chịu. Tựa như các vị Đại Bồ Tát quá khứ tu hành Bồ Đề hạnh thì bao nhiêu nghiệp chướng đều đã sám hối, nghiệp chướng của con cũng vậy, ngày nay con xin sám hối cả. Con phát lộ hết, không dám che giấu. Tội đã làm, con nguyện được tiêu diệt, tội chưa làm, con nguyện không dám làm nữa. Tựa như các vị Đại Bồ Tát vị lai tu hành Bồ Đề hạnh thì bao nhiêu nghiệp chướng đều sám hối cả, nghiệp chướng của con cũng vậy, ngày nay con xin sám hối cả. Con phát lộ hết, không dám che giấu. Tội đã làm, con nguyện được tiêu diệt cả, tội chưa làm, con nguyện không dám làm nữa. Tựa như các vị Đại Bồ Tát hiện tại tu hành Bồ Đề hạnh thì bao nhiêu nghiệp chướng đều đã sám hối, nghiệp chướng của con cũng vậy, ngày nay con xin sám hối cả. Con phát lộ hết, không dám che giấu. Tội đã làm, con nguyện được tiêu diệt cả, tội chưa làm, con nguyện không dám làm nữa…”__________________
SÁM HỐI RIÊNG
* Mở sổ ghi chép lỗi ra, lần lượt đọc từng lỗi, và chân thành khởi ý niệm ăn năn, hối hận.
__________________
PHÁT NGUYỆN GIỮ GIỚI HẠNH THANH TỊNH
” Con nguyện từ nay đến vô lượng kiếp sau, dù sinh về cảnh giới nào đều dốc lòng đem thân- khẩu- ý về nương nơi giới luật của Phật dạy, từ giới cư sĩ cho đến giới Bồ Tát, tâm tâm niệm niệm nối nhau quyết không chiều theo tập khí xấu ác, phiền não tham, sân , si, mạn, nghi, tà kiến… Nguyện cho mọi thân – khẩu – ý con luôn thanh tịnh trong giới hạnh của Phật một cách tự nhiên, thuần thục như hơi thở, kiên định không gì ngăn trở được, không gì phá hoại được, kiếp kiếp nối nhau như thế cho đến khi viên thành Chánh Giác.”__________________
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát ! (3 lần)
Diệt Định Nghiệp Đà Ra Ni :
ÔM (Pờ) RA MA NI ĐA NI XOA HA
(108 câu hoặc nhiều hơn, 540 câu, 1080 câu…tùy tâm)
TAM TỰ QUY Y
Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sinh, thể giải đại đạo, phát Vô thượng tâm.
Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải.
Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sinh, thống lý đại-chúng, nhất thiết vô ngại.
(Kết thúc Nghi thức sám hối)
__________________
Bạn nên sắp xếp để sám hối theo nghi thức trên nhiều lần, duy trì trong thời gian dài, mỗi tháng một lần hoặc vài tháng một lần, càng nhiều thì nghiệp chướng càng được tiêu trừ mạnh, tâm hồn càng được thanh tịnh hơn. Sau nhiều lần sám hối, bạn có thể thiêu hủy cuốn sổ, hoặc giữ lại tùy ý. Những lỗi sai được ghi chép trong sổ, hãy cố gắng để sau này không còn phạm phải nữa. Tuy nhiên đó cũng chỉ là lý thuyết, bạn chưa phải Thánh, tập khí xấu từ nhiều kiếp tích lũy vốn rất mạnh, bạn hoàn toàn có thể bị tái phạm, vậy nên đừng chủ quan, cũng đừng đặt tiêu chuẩn quá cao với mình. Bớt đi phần nghiệp chướng nào, là cuộc đời bạn bớt khổ sở chừng ấy. Bớt đi phần lỗi lầm nào, là tâm hồn bạn thanh tịnh lại phần ấy. Chỉ cần bạn phạm lỗi ít hơn xưa kia, cũng đã là một bước tiến đáng trân trọng rồi. (Quang Tử )